Ngày 27-3, Bộ Y tế chính thức thông báo sẽ ngưng sử dụng vaccine 5 trong 1 Quinvaxem trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ Y tế cho biết chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã góp phần quan trọng trong thanh toán và phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến ở trẻ em. Để tiếp tục duy trì thành tựu và kết quả công tác TCMR, năm 2018, Bộ Y tế có kế hoạch đưa một số vaccine mới vào chương trình TCMR.
Cụ thể, vaccine phòng bệnh Sởi - Rubella: Giai đoạn 2014-2016, Việt Nam đã triển khai thành công chiến dịch tiêm vaccine Sởi-Rubella cho hơn 23 triệu trẻ em trên toàn quốc do Ấn Độ sản xuất, góp phần kiểm soát dịch bệnh sởi rubella, năm 2017 số ca mắc thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine Sởi-Rubella.
Trong tháng 3-2018, vaccine Sởi-Rubella được đưa vào sử dụng trong chương trình TCMR, bước đầu triển khai tại bốn tỉnh, kết quả thu được cho thấy tính an toàn tương tự như vaccine Sởi - Rubella đã sử dụng như giai đoạn 2014-2016.
Theo kế hoạch, từ tháng 4-2018, vaccine Sởi - Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong TCMR.
Vaccine bại liệt tiêm (IPV): Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 và bảo vệ thành quả trong hơn 17 năm qua. Để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt đạt được, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với tiếp tục cho trẻ hai, ba, bốn tháng tuổi uống ba liều vaccine bại liệt bOPV (vaccine bại liệt hai tuýp), Bộ Y tế sẽ đưa vaccine tiêm IPV cho trẻ năm tháng tuổi vào chương trình TCMR từ tháng 8-2018.
Vaccine phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib: Trong hơn bảy năm qua, chương trình TCMR đã sử dụng vaccine Quinvaxem để tiêm cho trẻ dưới một tuổi.
Hiện nay, nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất vaccine Quinvaxem, số vaccine Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5-2018 trên quy mô toàn quốc. Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vaccine Quinvaxem bằng loại vaccine phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh. Theo kế hoạch, loại vaccine phối hợp 5 trong 1 này sẽ được đưa vào sử dụng trên quy mô nhỏ tại bốn tỉnh, sau đó sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn quốc vào cuối quý II-2018.
Vaccine Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng trong chương trình TCMR cùng với việc chuyển đổi sử dụng loại vaccine phối hợp 5 trong 1.
Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vaccine trong chương trình mở rộng, để trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Ngoài ra, vì tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp và kết quả của một số nghiên cứu, đánh giá cho thấy miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở phụ nữ mang thai thấp, Bộ Y tế khuyến cáo các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến các cơ sở y tế tiêm vaccine phòng bệnh sởi -Rubella để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh sởi, hội chứng Rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con.
Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu về việc tiêm vaccine sởi cho trẻ từ sáu tháng tuổi vào cuối năm 2018.