Ngày 31-8, TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) mở phiên xử sơ thẩm và tuyên phạt Trần Hoài Nam sáu năm sáu tháng tù, Phạm Thị Tú Trinh năm năm tù cùng về hai tội hành hạ con và cố ý gây thương tích. Nam và Trinh là người đã có hành vi bạo hành dã man cháu TNK (SN 2008, con ruột của Nam) trong thời gian dài, bị phát hiện vào tháng 12-2017, gây phẫn nộ dư luận.
Hành hạ con như thời trung cổ
Năm 2007, Nam kết hôn cùng chị Nguyễn Thúy Ngân và có hai con chung là TNK và TKĐ (SN 2011). Đến tháng 8-2014, hai vợ chồng ly hôn, Nam trực tiếp nuôi và chăm sóc cháu K., còn chị Ngân chăm sóc cháu Đ. Hai năm sau, Nam kết hôn với bị cáo Trinh. Do mâu thuẫn với mẹ đẻ, Nam và Trinh cùng cháu K. bỏ nhà để ra sinh sống tại một khách sạn ở quận Ba Đình. Tháng 8-2016, K. bị vợ chồng Nam cho nghỉ học nhằm cách ly không cho cháu gặp mẹ đẻ và ông bà nội.
Do K. hay nghịch ngợm và không nghe lời, Nam cùng Trinh đã nhiều lần đánh cháu. Nam gộp nhiều móc quần áo thành một chiếc roi lớn rồi đánh con trai, dùng muỗng múc canh đánh vào đầu, dùng tay chân đánh vào mặt, đấm đá,… Trung bình, cứ một tuần Nam đánh con ba lần.
Những lần Nam đánh K., Trinh đều có mặt và biết sự việc nhưng không can ngăn mà cũng bạo hành. Trinh mắng chửi, tát vào mặt, dùng đũa gỗ vụt vào tay và người, dùng muỗng inox đánh vào đầu cháu bé. Đặc biệt, từ tháng 9-2017, Nam và Trinh thống nhất không cho K. cắt tóc, đi chơi, nhiều lần phạt cháu ngủ ngoài phòng khách, thậm chí bỏ mặc cháu ngủ dưới nền nhà. Khi cả hai đi vắng thường để cháu ở nhà một mình tự nấu ăn, khóa cửa không cho K. vào phòng ngủ, có khi phạt uống nước mắm vì nghịch ngợm.
Do quá lo sợ bị đánh đập, cháu K. bỏ trốn khỏi nơi trọ, bắt xe buýt về nhà ông bà nội. Phát hiện cháu mình có hàng loạt vết thương, ông bà đã trình báo công an. Nam, Trinh lần lượt ra đầu thú. Kết quả điều tra, công an xác định cháu K. bị bốn vết thương vùng đỉnh đầu và khoảng 60 vết sẹo khắp cơ thể; đặc biệt cháu bị gãy năm xương sườn… Nam gây ra 22% tổn hại sức khỏe cho cháu K., còn Trinh là 3%.
Hai bị cáo Trần Hoài Nam và Phạm Thị Tú Trinh tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Trào nước mắt khi đọc hồ sơ
Có mặt tại phiên tòa, những người tham dự đã bức xúc về hành vi của hai bị cáo khi đại diện VKS đọc cáo trạng. Phần thẩm vấn, một vị hội thẩm đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi đọc hồ sơ mà trào nước mắt, hành vi của hai bị cáo là rất đáng trách và rất đáng thương cho con trẻ”. Vị này nói rằng con cái là lộc trời cho, thế nhưng không hiểu sao hai bị cáo lại hành hạ chính con đẻ của mình. Những đứa trẻ bị bạo hành sau này sẽ dễ trở nên hung hãn, tổn thương, hậu quả để lại rất lớn, trường hợp của cậu bé Hào Anh (tại Cà Mau) là một ví dụ không ai mong muốn.
Cùng chung nỗi lòng, hai nữ luật sư (LS) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại cũng nhiều lần nhắc đến cụm từ “không thể hiểu” để nói về những tổn thương mà các bị cáo gây ra với bé trai chín tuổi. “Là cha ruột, sao bị cáo Nam nỡ lòng lấy nhiều chiếc móc áo duỗi thẳng thành bó dùng để đánh đập con trai mình. Hậu quả lớn nhất là ảnh hưởng sang chấn tâm lý cho cháu bé, những vết sẹo trên cơ thể có thể lành được nhưng những vết sẹo hằn sâu trong lòng thì khó lòng nào xóa nhòa…” - một vị LS nói.
Nghe xong, hai bị cáo cúi mặt nhận lỗi. Nói lời sau cùng, Nam gửi lời xin lỗi cháu K., gia đình và người vợ cũ của mình. Nam nói rằng đã biết sai và mong muốn những người làm cha, làm mẹ khác không vấp phải sai lầm như mình.
Bé K. vắng mặt tại tòa. Chị Nguyễn Thúy Ngân (mẹ ruột của cháu K.) cho biết không muốn con trai mình phải đến tòa nghe hoặc chứng kiến những hình ảnh đã đày đọa cháu bao lâu nay. Dù rất đau đớn trước hành vi của người chồng cũ đã gây ra cho con trai nhưng chị vẫn mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho Nam, bởi dù sao anh ta cũng là cha của hai đứa con chung. Còn với bị cáo Trinh, chị Ngân đề nghị tòa có bản án đủ sức răn đe để nhiều đứa trẻ khác sẽ không bị bạo hành như con mình.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định tuyên phạt các mức án như trên, đồng thời buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần, sức khỏe cho cháu bé với tổng số tiền hơn 130 triệu đồng.
Hành vi phản giáo dục, trái đạo đức xã hội Nam và Trinh là những người trực tiếp có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng cháu K. nhưng không những không làm tròn trách nhiệm của người cha, người mẹ mà còn thường xuyên chửi mắng, đánh đập gây đau đớn về thể xác cũng như tinh thần cho cháu. K. đang ở độ tuổi cần được đến trường để học tập, vui chơi với bạn bè cùng trang lứa thì Nam, Trinh đã không cho cháu đi học trong thời gian dài, làm cản trở sự phát triển bình thường về nhận thức và tâm lý của cháu. Việc cháu được gặp mẹ, ông bà là nhu cầu tình cảm thiết yếu, chính đáng, tuy nhiên Nam và Trinh đã không cho cháu gặp trong suốt thời gian dài. Cháu còn nhỏ tuổi, nhận thức chưa đầy đủ nên đôi khi còn nghịch ngợm, không nghe lời. Đáng lẽ Nam và Trinh phải nhắc nhở, hướng dẫn, chỉ bảo cho cháu thì lại áp dụng phương pháp phản giáo dục, trái đạo đức xã hội bằng cách phạt cháu phải uống nước mắm, phạt đứng ngoài ban công hàng giờ đồng hồ đến tối mới cho vào ngủ, không cho cháu đi cắt tóc trong nhiều tháng, không cho cháu chơi đồ chơi, không cho giao lưu bạn bè… (Trích cáo trạng của VKSND quận Cầu Giấy) |