Pháp Luật TP.HCM tiếp tục trao đổi xung quanh sự kiện này với TS Nguyễn Sĩ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH) như là một nhà quan sát gắn bó lâu năm với sinh hoạt nghị trường.
. Phóng viên:Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMsau phiên bỏ phiếu, một số ĐBQH bày tỏ sự lúng túng, khó khăn của mình khi tham gia cuộc đánh giá tín nhiệm này. Theo ông là vì sao?
+ TSNguyễn Sĩ Dũng: Khó thật đấy. Thử xem, bạn có nhớ kỳ bầu cử QH và HĐND vừa qua mình bỏ phiếu cho ông đại biểu, bà hội đồng nào không?
. Không. Không thể nhớ được!
+ Đấy. Số người mà bạn bỏ phiếu cho trong bốn lượt bầu các cấp HĐND và QH có lẽ chỉ khoảng 12-13 vị mà còn chẳng nhớ nổi. Đằng này, ở QH kỳ họp đầu tiên, mỗi ĐB phải bầu ra tới 49 chức danh. Vậy thì thách thức để đánh giá chính xác mức tín nhiệm của mình cho mỗi chức danh ấy là rất lớn.
. Nhưng hầu hết ĐBQH đều là đảng viên, có chức sắc ở bộ, ngành, địa phương. Ít ra họ cũng đã quen với các hình thức lấy phiếu tín nhiệm, thăm dò trong công tác nhân sự của Đảng rồi chứ?
+ Đúng là việc đó vẫn diễn ra ở mọi cấp chính quyền, ở tất cả cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng nhưng chỉ trong phạm vi hẹp từng cơ quan, đơn vị. Còn đây là lấy phiếu tín nhiệm tại QH, làm lần đầu tiên và được tiến hành trên quy mô lớn như thế, với tất cả các chức danh quan trọng nhất của Nhà nước. Kết quả đánh giá lại được công khai với dư luận. Cho nên khó và áp lực hơn nhiều.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, giới thiệu chương trình và nội dung kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII. Ảnh: CTV
Tiêu chí riêng cho các quan chức
. Thông tin từ thảo luận đoàn ĐBQH trước phiên bỏ phiếu chính thức cho thấy các ĐB rất kín đáo, thận trọng trong việc quyết định lá phiếu của mình. Vậy theo ông, các ĐBQH làm thế nào để “chấm điểm” chính xác cho từng chức danh?
+ Các chức danh đưa ra lấy phiếu tín nhiệm là rất khác nhau, nên cách tốt nhất là căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cho từng chức danh và mức độ đáp ứng, hoàn thành mà “chấm điểm” thôi.
Chẳng hạn, người đứng đầu QH thì quan trọng nhất là hiểu quy trình, thủ tục của sinh hoạt nghị trường, có phẩm chất khơi gợi tranh luận tại QH, để QH có bầu không khí tranh luận, thảo luận dân chủ; tạo điều kiện để các ĐBQH thực hiện hết quyền, trách nhiệm của mình; tạo điều kiện để mọi vấn đề đưa ra xem xét đều được thảo luận dân chủ, phân tích kín kẽ, mọi góc cạnh, làm sáng rõ chính sách, làm minh bạch chính sách…
Người đứng đầu Chính phủ thì quan trọng nhất phải xác lập được ưu tiên, nhanh nhạy trong phát hiện, quyết đoán trong xử lý các vấn đề phát sinh. Còn Chủ tịch nước theo tinh thần Hiến pháp 1992 là biểu tượng quốc gia thì lại cần được đánh giá ở các tiêu chí khác: Có phải là biểu tượng của sức mạnh đạo đức của đất nước, dân tộc không? Con người có toát ra sức mạnh không phải từ quyền năng của mình, mà từ đạo đức, phẩm giá và vị trí mà Hiến pháp đặt mình lên? Tương tự, tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá ông chánh án TAND Tối cao là thái độ với công lý, khả năng áp dụng pháp luật để xác lập công lý, đảm bảo công lý cho người dân.
Ưu tiên từ góc nhìn đại biểu
. Lần này, danh sách người được lấy phiếu được phân theo 10 nhóm chức danh. Điều đó có giúp ích gì không?
+ Cũng mang tính tương đối thôi.
Ngay các vị bộ trưởng thì độ nóng của mỗi “ghế” đã khác nhau. Trong tương quan các yêu cầu, bức xúc của xã hội tại từng thời điểm, độ nóng của mỗi vị trí lại khác nhau nữa. Cho nên chấm điểm bằng cách so sánh giữa các bộ trưởng với nhau là không dễ.
Tất nhiên, các barem sẽ có những điểm chung: Phẩm chất chính trị thế nào, đạo đức, tư cách, lối sống ra sao… Nhưng những tiêu chí ấy cũng rất định tính, khó đo đếm. Vì vậy, quan trọng nhất là phải bám vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho mỗi chức danh và thực tế đáp ứng, hoàn thành các nhiệm vụ đó.
Ngoài ra, còn tùy thuộc vào cả cách thức các ĐB coi cái gì là quan trọng nhất. Có ĐB coi liêm chính là quan trọng nhất thì sẽ dành ưu tiên của mình cho phần đánh giá mặt liêm chính của từng chức danh. Vị khác lại xem sự năng động làm trọng thì họ lại dành nhiều điểm số cho tiêu chí này. Người khác lại quan tâm nhiều ở năng lực quyết đoán và đổi mới thì lại ra kết quả khác…
Không dễ dự đoán kết quả
. Trong tay các ĐBQH là báo cáo công tác và tự kiểm điểm của các vị quan chức. Như vậy đã đủ cơ sở để quyết định lá phiếu chưa?
+ Báo cáo là rất quan trọng nhưng đó chỉ là vấn đề kỹ thuật. Mà lấy phiếu tín nhiệm là đánh giá về mặt chính trị chứ không phải chuyện kỹ thuật. Cho nên phẩm chất chính trị của từng chức danh sẽ được coi trọng hơn.
Phẩm chất ấy lại thường bộc lộ công khai qua các sinh hoạt ở QH: Trả lời chất vấn thế nào? Có thực sự nắm công việc không? Có sống chết với công việc đất nước không? Phản ứng thế nào trước các vấn đề cuộc sống?... Phẩm chất ấy còn bộc lộ qua các vấn đề, sự kiện mà báo chí, dư luận đề cập.
Với lại, không phải tới phiên bỏ phiếu, các ĐB mới quyết định đánh giá ai, thế nào. Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm đã được bàn từ kỳ họp trước, còn từ bữa khai mạc kỳ họp QH đến nay là 20 ngày. ĐBQH mà sâu sát với thời cuộc thì các thông số ấy chắc cũng nắm được rồi. Báo cáo, tài liệu, kiểm điểm có lẽ chỉ là phần bổ sung thôi.
. Lá phiếu lần này được thiết kế để chấm theo ba mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Có ý kiến cho rằng thiết kế như vậy để khỏi gây sốc, bớt đi khả năng ai đó mất chức hoặc phải từ chức, thưa ông?
+ Chỉ có hai mức đánh giá thì tất nhiên hệ số rủi ro sẽ cao hơn. Còn khi ĐB có nhiều lựa chọn thì đánh giá sẽ chính xác hơn. Tuy nhiên, có nhiều mức đánh giá như vậy thì lại khó dự đoán kết quả. Thậm chí nay mai kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai thì phân tích nó cũng không dễ chút nào.
. Xin cảm ơn ông.
NGHĨA NHÂNthực hiện