Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 18/2019 sửa đổi, bổ sung các quy định về vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC). Theo đó, các CTTC chỉ được nhắc nợ khách hàng vay tiêu dùng tối đa năm lần/ngày. Bên cạnh đó, CTTC không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ.
Từ sáng đến chiều bị nghe nhắc nợ
Chị Quách Tú Oanh (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết vào tháng 4 năm nay, chị có vay 20 triệu đồng của CTTC F. để mua xe máy. Thời hạn trả góp là 12 tháng. Hằng tháng chị phải trả tiền góp vào ngày 5.
Tuy nhiên, theo chị Oanh, cứ khoảng ngày 20 của tháng trước thì chị đã bị nhân viên của Công ty F. gọi nhắc nợ từ sáng đến tối. Những người thân, bạn bè được chị Oanh cung cấp số điện thoại cho Công ty F. khi làm hợp đồng vay cũng liên tục nhận được các cuộc gọi yêu cầu nhắc nhở chị Oanh trả nợ.
“Tôi luôn đóng tiền vay đúng hạn nhưng có những ngày tôi nhận gần chục cuộc gọi nhắc nợ. Người thân, bạn bè của tôi bị gọi nhắc nợ, họ đâm ra cáu gắt với tôi. Họ trách tôi đã hại họ vừa bị xấu hổ, vừa ăn ngủ chẳng yên. Họ từ mặt tôi. Thấy vậy, tôi đành phải vay tiền của đồng nghiệp để trả lại cho Công ty F. trước hạn nhưng công ty này không đồng ý. Gia đình tôi còn phải chịu cảnh bị nhắc nợ dài dài” - chị Oanh thở dài.
Cùng bức xúc này, anh Huỳnh Trọng Hoàng (ngụ tỉnh Bến Tre) cho biết cách đây một năm anh có vay khoảng 8 triệu đồng của CTTC H. để mua máy vi tính. Hạn trả là ngày 10 hằng tháng nhưng anh luôn bị đòi nợ từ trước đó 10 ngày.
“Sáng sớm họ đã gọi, trưa chiều cũng gọi, làm như tôi sắp trốn nợ đến nơi. Tôi gắt lại thì họ dọa nếu tôi trả trễ hạn sẽ bị xếp mục nợ xấu, phải đóng phạt và không được xét cho vay nữa. Tôi vay một lần là tởn đến già” - anh Hoàng lắc đầu nói.
Từ ngày 1-1-2020, các công ty tài chính phải chấm dứt kiểu đòi nợ người thân của con nợ.
Cần thêm chế tài cho quy định mới
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều điểm tích cực khi bổ sung quy định các CTTC chỉ được gọi nhắc nợ khách hàng tối đa năm lần/ngày, không được nhắc nợ đến người thân của khách hàng.
Bởi thực tế hiện nay không ít CTTC đã dùng đòn khủng bố đến khách hàng và người thân của người đi vay tiền để tạo sức ép cho người vay chỉ vì mong muốn thu hồi nợ đúng hạn. Việc người không vay nợ liên tục bị “níu áo” nhắc nợ đã gây nên bức xúc và xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân.
7.022 cuộc gọi/đơn thư phản ánh, khiếu nại người tiêu dùng gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trong tám tháng đầu năm 2019. Trong đó có đến trên 40% trong số này là các cuộc gọi/đơn thư phản ánh, khiếu nại về CTTC gọi điện thoại, nhắn tin với mục đích quấy rối, đe dọa thu hồi nợ. |
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đến thời điểm hiện nay, chưa có quy định xử lý CTTC có hành vi khủng bố nhắc nợ khách hàng. Vì vậy, để quy định mới được vận dụng vào thực tiễn thì cần thêm các biện pháp chế tài phù hợp, tạo tính răn đe.
“Những công ty có hành vi khủng bố nhắc nợ khách hàng cần phải bị xử lý hành chính, phạt tiền hoặc tạm đình chỉ hoạt động, nặng hơn là rút giấy phép kinh doanh. Nếu CTTC tái phạm nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng đến khách hàng thì cần bị xem xét xử lý hình sự” - ông Hiếu đề xuất.
TS Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân BizLight, cũng cho rằng việc bổ sung các quy định mới như đã nêu trong thông tư là tiến bộ. Bởi người vay chính là người có nghĩa vụ trả nợ nhưng một thời gian dài các CTTC đã quấy rối cả những người thân của người vay tiền. Theo ông, trước quy định mới, các CTTC cần siết chặt cơ chế kiểm tra, đánh giá năng lực chi trả của khách hàng, đặc biệt là các hình thức vay tín chấp chỉ dựa trên thu nhập hằng tháng của khách hàng như hiện nay. Các CTTC cần tránh việc cho vay rồi lại cuống cuồng đòi nợ.
Cũng theo ông Tín, hiện tại chưa có quy định xử phạt đối với các CTTC có hành vi nhắn tin, gọi điện thoại nhắc nợ đến các cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ. Do đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng thêm chế tài xử phạt đối với hành vi này để quy định mới được vận dụng hữu hiệu trong hoạt động vay tiêu dùng.
Nhắc nợ khách hàng phải đúng các quy định sau: Theo khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước, các CTTC được sử dụng các biện pháp sau để đôn đốc, thu hồi nợ: - Chỉ được nhắc nợ tối đa trong một ngày là năm lần. - Thời gian, hình thức nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng. - Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. - Bảo mật thông tin khách hàng theo quy định. Đồng thời CTTC phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các biện pháp thu hồi nợ để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng. Thông tư này có hiệu lực vào ngày 1-1-2020. |