Sáng 30-3, không gian Hội quán các bà mẹ (quận 1, TP.HCM) trở nên ấm cúng, với nội dung được gói gọn trong chủ đề: "Trẻ tự kỷ cần sự hỗ trợ từ gia đình". Đây là dịp để những bà mẹ có con mắc chứng tự kỷ cùng ngồi lại kể với nhau về những điều mà các đứa con đặc biệt của họ có thể làm nếu họ đủ kiên trì và tình yêu thương.
Chia sẻ về khả năng của người tự kỷ, anh Lê Tấn Đạt hay còn được gọi với cái tên "Đạt tự kỷ", Đồng sáng lập tổ chức "The Big Friend", một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người tự kỷ tại Việt Nam nói: khi tôi mất con tôi sẽ ra sao?" đó là câu hỏi được đặt ra ở hầu hết người làm cha, làm mẹ có con mắc chứng tự kỷ, vì trong quan điểm của các bậc cha, mẹ và cả xã hội dường như trẻ tự kỷ không thể tự chăm sóc được bản thân.
Chính từ quan điểm sai lệch này đã dẫn đến việc phụ huynh có xu hướng tìm một trường hoặc một ai đó có thể gởi gắm con mình đến hết đời mà chưa bao giờ thử để con học một nghề hay làm một công việc có thể nuôi sống trẻ sau này. Trong khi trẻ tự kỷ vẫn có thể học tập và lao động nếu các bậc cha mẹ đủ sự kiên trì để dạy dỗ trẻ.
Anh Lê Tấn Đạt trao đổi cùng một phụ huynh có con tự kỷ về cách dạy học cho trẻ. Ảnh: T.PHƯƠNG
"Tự kỷ không phải là bệnh, trẻ bị tự kỷ không mất đi khả năng học tập hay lao động. Vấn đề lớn nhất là cha mẹ sẽ tốn nhiều thời gian và tâm sức để giúp trẻ hình thành hành vi, ngôn ngữ tương tác xã hội”- anh Đạt, bày tỏ.
Chia sẻ thêm về điều này, anh cũng rằng cha mẹ chính là chìa khóa then chốt đối với con của mình. Nếu ở những gia đình bình thường, việc nuôi dạy một đứa con cũng đã khiến cha mẹ phải đau đầu thì với những gia đình có con mắc chứng tự kỷ thì càng chông gai. Vì vậy cần sự đồng hành nhiều hơn của người làm cha mẹ để cùng con tiến bộ mỗi ngày.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, chủ nhiệm Hội quán các Bà mẹ cho biết, trong thời gian hội quán song hành cùng các gia đình có con bị tự kỷ, chị đã nhận thấy các đứa trẻ tự kỷ làm được nhiều điều hơn chúng ta thường nghĩ.
Rất nhiều cha mẹ rất mong muốn con mình có được học tập, học nghề như các trẻ em bình thường khác. Do đó, cần xây dựng mô hình giúp các trẻ có thể được học tập các nghề phù hợp với bản thân, niềm yêu thích của các trẻ.
Cạnh đó là công tác định hướng nghề nghiệp và bảo trợ đầu ra việc làm cho trẻ tự kỷ. Đặc biệt, để dạy nghề với đối tượng trẻ này cần rất nhiều thời gian và người dạy phải thật sự nắm bắt được tâm lý của trẻ và không thể thiếu được sự hỗ trợ của gia đình.
“Có những cháu vẽ rất đẹp, có cháu lại có thể thêu, may vá tỉ mỉ hơn cả bạn bè cùng tuổi và người lớn. Chứng tỏ các cháu vẫn có thể lao động để tự chăm sóc cho bản thân về sau khi cha mẹ không thể bên cạnh suốt đời”-chị Thúy, nói.
"Tôi học những gì con tôi thích" Đến tham gia buổi giao lưu, chị Trần Lê Hoa Lê không kìm được xúc động nhớ lại hành trình 16 năm đồng hành cùng đứa con trai mắc chứng "tự kỷ chức năng cao". Con trai chị rất thích học lịch sử, thích tìm tòi máy tính và chỉ tập chung duy nhất vào những chủ đề này, ngay cả khi giao tiếp cùng chị, người thân và bạn bè. "Tôi đã tìm hiểu những gì con tôi thích, học thuộc nó để trò chuyện với con mỗi ngày. Giờ tôi đang cố biết con mình thích gì để chọn cho con một công việc"-chị Hoa, nói. Ngày 2-4 hằng năm là Ngày Thế giới nhận thức về người tự kỷ, đây là thời gian để mỗi gia đình và cả xã hội nên hình nhận lại về vai trò của những người tự kỷ xung quanh ta. |