Cha mẹ tương tác sai, trẻ rối loạn ngôn ngữ

Hằng tháng, phòng tư vấn của chuyên gia tâm lý Lê Khanh tiếp nhận ít nhất sáu, bảy ca chậm nói đã loại trừ khả năng do rối loạn phát triển. Tức là qua các thăm khám, tư vấn, các bé này hoàn toàn bình thường, không bị mắc các chứng tự kỷ, tăng động hoặc chậm phát triển. Việc chậm nói là do cha mẹ tương tác với con sai cách.

Học tới ba ngôn ngữ cùng lúc

Một cặp vợ Việt chồng Hàn đưa con họ đến phòng tư vấn tâm lý của chuyên gia tâm lý Lê Khanh vì bé có tình trạng chậm nói. Qua trò chuyện, ông được biết em bé không phát triển về ngôn ngữ dù cha mẹ đều thông thạo tiếng Anh và có dành thời gian trò chuyện với con, dạy con tập nói.

Mẹ bé V. hằng ngày trò chuyện với con bằng tiếng Việt, tập cho con nói tiếng Việt. Cha bé đi làm về tập cho con nói tiếng Hàn. Hai cha mẹ khi trò chuyện với nhau lại nói bằng tiếng Anh. Cuối cùng bé chỉ nói được những từ đơn giản của cả ba ngôn ngữ nhưng không thể trò chuyện với cha mẹ như những đứa trẻ khác. Dù đã hơn ba tuổi nhưng bé chỉ giao tiếp với cha mẹ bằng điệu bộ hoặc những từ ngữ rời rạc.

Ông Lê Khanh đã hướng dẫn cha mẹ phải chọn cho con một thứ tiếng làm ngôn ngữ chính thí dụ như tiếng Anh, đến khi bé có nền tảng ngôn ngữ chính rồi mới nên dạy tiếp cho bé các ngôn ngữ khác. Cha mẹ không nên nôn nóng dạy cho bé cả ba ngôn ngữ cùng một lúc.

Học với iPad, nói leo lẻo nhưng… không hiểu gì

Mẹ của bé X. (quận Tân Bình) đưa con tới chuyên gia vì con không nói chuyện được với cha mẹ nhưng khi đưa iPad là con nói liến láu. Con có thể hát theo iPad cả một đoạn bài hát, có thể nói theo những đoạn hội thoại trong iPad nhưng nói chuyện với mẹ thì rất chậm và khó khăn. Khi mẹ bé nhắc lại những câu nói trong iPad thì bé… không hiểu gì.

Qua trò chuyện, chuyên gia biết được bà mẹ này thường xuyên mở các chương trình trẻ em cả tiếng Anh và tiếng Việt cho bé tập nói, học hát. Bé rất thích iPad nên bà thường mở iPad cho con chơi. Bé cũng lanh lợi, vui vẻ như nhiều đứa trẻ. Tuy nhiên, bé chỉ vui vẻ khi được mẹ cho “học” và chơi trên iPad. Nhiều lần mẹ không cho bé chơi iPad nữa, bé khóc lóc, ăn vạ.

Chuyên gia này đã tư vấn cho mẹ của bé X. không nên cho bé xem tivi và iPad quá nhiều. Bé có thể học theo những đoạn hội thoại trên iPad, đưa iPad là bé mở ngay chương trình bé thích. Bé có thể đọc làu làu, nói theo làu làu nhưng đó là cơ chế bắt chước một chiều. Không có sự tương tác hai chiều, bé sẽ không hiểu được người khác nói gì nên không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ được.

Phòng khám của tôi tiếp nhận nhiều ca trẻ bị chậm nói do rối loạn ngôn ngữ. Biểu hiện là khi giao tiếp, trẻ trên 18 tháng chưa nói được một từ, trẻ trên 24 tháng chưa nói được hai từ nhưng con vẫn giao tiếp tốt bằng cử chỉ, điệu bộ.

Có hai lý do chính. Một là cha mẹ giao tiếp với con chưa đủ, chưa tạo nhiều tình huống giao tiếp để con học hỏi, tập nói. Cha mẹ cũng không tạo cho con cơ hội trình bày nhu cầu của mình. Trẻ chưa đói đã được cho ăn, mọi nhu cầu đều được cha mẹ đáp ứng trước khi trẻ đòi hỏi cũng làm trẻ mất đi nhiều cơ hội tương tác với cha mẹ bằng ngôn ngữ. Hai là cha mẹ cho con sử dụng các thiết bị công nghệ quá nhiều. Trẻ không có phản ứng giao tiếp hai chiều sẽ không nói được. Việc cho trẻ sử dụng tiếng Anh quá sớm cũng có thể gây khó khăn cho trẻ trong việc diễn đạt. Tuy nhiên, có thể trẻ nói lộn xộn chứ không chậm nói nếu được tương tác đủ với cha mẹ.

Chuyên gia tâm lý VÕ THỊ MINH HUỆ,
 
Phòng khám Nhi đồng thành phố

Cha mẹ hãy giao tiếp với con nhiều hơn

Nhiều cha mẹ quá bận rộn, trong khi con ở tuổi học nói rất hiếu động và nghịch ngợm. Thế là họ đưa cho con iPad để rảnh tay làm việc. Hoặc nhiều cha mẹ giao con cho người giúp việc, người giúp việc cũng đưa iPad cho trẻ để đỡ mất công chăm sóc bé. Điều này khiến bé không có cơ hội giao tiếp bằng lời, dẫn đến chậm nói.

Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ lại lo lắng thái quá, cho con học ngoại ngữ quá sớm khi con chưa có nền tảng tiếng mẹ đẻ. Lợi bất cập hại, bắt con học theo mong muốn của mình rồi lại phải dắt con đi khám vì chậm nói.

Chuyên gia tâm lý LÊ KHANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm