Mới đây, một bà mẹ trẻ tại Kiên Giang vô cùng lo lắng khi thấy con mình có các triệu chứng mệt mỏi, thất thần. Sau khi đưa con đi khám, con chị được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn TIC tạm thời nghi do sử dụng điện thoại và đồ điện tử quá nhiều.
Theo lời người mẹ, con chị được cho về nhà với lời dặn hạn chế cho bé tiếp xúc với các đồ điện tử, cha mẹ nên dành thời gian chơi với con khiến chị khá sốc vì trước giờ gia đình chưa bao giờ nghĩ điện thoại, smartphone lại ảnh hưởng lớn tới trẻ như vậy.
“Bác sĩ dặn nếu thấy cháu có các triệu chứng co giật, nôn ói nhiều, ngủ lì bì hay vật vã bức sức, sốt cao liên tục, thở mệt... phải đưa con lên tái khám lại. Nếu để quá lâu không can thiệp con có thể bị ảnh hưởng đến các vấn đề thần kinh”, chị nói.
Cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm đến con trẻ hơn
Trao đổi về chứng bệnh này, bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết TIC là một hội chứng rối loạn về thần kinh, chủ yếu về phần cơ, cơ mặt, cơ toàn thân, cơ phát âm. TIC có hai nhóm: vận động, âm thanh. Biểu hiện của hội chứng TIC vận động thường gây giật cơ trên khuôn mặt, cổ, nháy mắt, gật lắc đầu, vai… Nếu rối loạn ở phần cơ phát âm sẽ dẫn đến các triệu chứng như âm thanh lạ phát ra trong họng (như tiếng gáy hoặc ho), lẩm nhẩm.
Cũng theo bác sĩ Vinh, hội chứng này không nguy hiểm và có thể tự hết. Tuy nhiên, những trẻ này khi đi học khi có triệu chứng tăng động sẽ thường bị cô giáo phạt. Đối với bệnh nhân TIC, hình phạt sẽ phản tác dụng, khiến trẻ căng thẳng hơn, thậm chí thường xuyên co giật. Khi mắc bệnh quá nặng, các bệnh nhi sẽ được bác sĩ tư vấn kê thuốc làm giảm phản xạ thần kinh. Đặc biệt, bác sĩ khuyên cha mẹ nên cách ly con với các thiết bị công nghệ bởi việc mắc TIC vận động lâu ngày sẽ thành tật xấu như nói ngọng, nháy mắt, gây khó khăn khi giao tiếp.
Nguyên nhân khởi phát dẫn đến việc ngày càng nhiều trẻ em mắc hội chứng này là do thời gian hè các bé không đi học nên được cha mẹ cho sử dụng smartphone, xem tivi thỏa thích. Điều đó khiến não kích thích mạnh dẫn đến rối loạn vận động mắt, vai ở trẻ. Một số trường hợp bị tổn thương màng não dẫn đến co giật liên tục phải dùng thuốc an thần đồng thời kết hợp với trị liệu tâm lý.
“Rối loạn TIC thuộc về bệnh tâm, thần kinh. Đó là bệnh liên quan đến vấn đề tâm lý lẫn tâm thần, vận động. bệnh này không chỉ xảy ra với trẻ em mà người trưởng thành cũng có thể mắc phải. Nếu thật sự muốn điều trị rối loan TIC cần cách ly trẻ khỏi các thiết bị điện tử, cha mẹ nên dành nhiều thời gian chơi với trẻ, trò chuyện với trẻ, nâng đỡ tâm trạng, cảm xúc của con mình” – BS Vinh nói.