Trong tuần qua, các bài viết “Cách nào ngăn chặn doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH?”, “Không được đóng BHXH, người lao động cần làm gì?” phản ánh về tình trạng nhiều người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH. Trước tình hình này, cơ quan BHXH TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH.
Những thông tin trên đã thu hút được sự quan tâm của bạn đọc. Một số bạn đọc cho rằng để giảm tình trạng trên, cơ quan chức năng ngoài việc thực hiện các biện pháp giám sát, thu hồi nợ thì cần phải xử mạnh tay hơn nữa khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm.
Phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Bạn đọc Nguyễn Hoàng bình luận: “Không được đóng BHXH đầy đủ, người lao động sẽ không được hưởng các quyền lợi chính đáng từ Quỹ BHXH. Vì thế, các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp để ngăn chặn dứt điểm tình trạng trên. Theo tôi, cần có quy định doanh nghiệp khi hoạt động phải lập quỹ và quỹ này do cơ quan BHXH giám sát. Nếu phát hiện doanh nghiệp chậm, trốn đóng thì trích quỹ này để đóng BHXH cho người lao động”.
“Giải pháp trước tiên để hạn chế tình trạng chậm, trốn đóng BHXH theo tôi là các cơ quan nên xử thật nghiêm. Bởi hiện nay quy định phạt đối với hành vi trên đã có, có cả phạt hành chính lẫn hình sự nhưng vấn đề là cơ quan thực thi vẫn chưa thật sự mạnh tay.
Người lao động đến cơ quan BHXH tại TP.HCM để thực hiện các thủ tục liên quan |
Tình trạng này đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng ngàn người lao động. Để giải quyết quyền lợi cho số lao động này, nên chăng trích một phần tiền phạt các doanh nghiệp chậm, trốn đóng để đóng cho người lao động bị các doanh nghiệp đã dừng hoạt động hoặc có chủ bỏ trốn chậm đóng BHXH” - bạn đọc Phạm Hùng nêu ý kiến.
Bạn đọc Trần Thanh chia sẻ: “Theo hướng dẫn của cơ quan BHXH, người lao động để bảo vệ quyền lợi của mình khi doanh nghiệp chậm đóng BHXH thì phải làm đơn khiếu nại tổ chức công đoàn. Thế nhưng công đoàn lại thuộc công ty thì ai giải quyết, làm thế có khách quan”.
Luật đã có, cần xử nghiêm
Liên quan đến hành vi chậm, trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Theo Điều 216 BLHS, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ sáu tháng trở lên đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền 50-200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến một năm nếu trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Tuy nhiên, Điều 216 trên có nhiều điểm không rõ ràng, định tính nên khó thực hiện. Vì thế, hướng dẫn Điều 216 BLHS, thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 05/2019. Theo đó, tại Điều 2 Nghị quyết 05 đã hướng dẫn rõ thế nào là trốn đóng bảo hiểm; gian dối để không đóng; không đóng đầy đủ; không đóng tiền bảo hiểm… “Như vậy, với hướng dẫn này thì quy định để áp dụng Điều 214, Điều 215 và Điều 216 BLHS cũng khá đầy đủ” - luật sư Hoan nêu.
Cũng theo luật sư Hoan, với những vi phạm của người có nghĩa vụ đóng BHXH rất lớn từ trước đến nay nhưng chưa xử lý được một phần do trách nhiệm của cơ quan quản lý về BHXH còn thiếu quyết liệt và bên thiệt thòi vẫn là người lao động. Cần xử điểm vài vụ hình sự mới đủ sức răn đe đối với người vi phạm nhóm hành vi này.
Kiến nghị giải pháp để khắc phục chậm, trốn đóng BHXH
Cuối năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH đã có báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tình hình chậm, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Theo đó, bộ này kiến nghị Thủ tướng giao cho các ban ngành liên quan thực hiện một số giải pháp để khắc phục tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Cụ thể, giao cho BHXH Việt Nam thực hiện nghiêm, đầy đủ tổ chức thu BHXH, BHYT, BHTN mà Quốc hội và Chính phủ đã giao đảm bảo nguyên tắc thu đúng đối tượng, thu đủ số tiền phải thu, không phát sinh chậm đóng kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động…
Giao Bộ Công an khẩn trương triển khai thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ theo Công văn 6123 và Văn phòng Chính phủ về tình hình chậm, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Giao Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các ban ngành liên quan trong quá trình tổng kết, xây dựng Luật BHXH sửa đổi theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chế tài liên quan đến vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là các hành vi chậm, trốn đóng BHXH… VIẾT LONG