Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã báo cáo trình Quốc hội để có phương án giải quyết cụ thể về tình trạng 200.000 người lao động (NLĐ) đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu.
Tại TP.HCM, trên trang thông tin điện tử của cơ quan BHXH TP.HCM, tính đến giữa tháng 1-2023, có 979 doanh nghiệp (DN) nợ BHXH với số tiền từ 300 triệu đồng trở lên.
NLĐ phải tự bỏ tiền đóng BHXH, BHYT
Một trong những nạn nhân của tình trạng trốn đóng BHXH, chị Lê Thị Trang (ở phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết trước đây chị làm công nhân may cho một công ty ở TP.HCM. Khi đó công ty có đóng đầy đủ các khoản BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho chị. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm làm việc tại công ty này, chị được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm.
Đến đầu năm 2020, do công ty khó khăn nên cắt giảm công nhân, chị phải chịu cảnh thất nghiệp.
Người dân đến thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT tại cơ quan BHXH TP.HCM.Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Ở nhà hơn một năm, chị Trang xin vào làm công nhân cho một công ty khác. Tuy nhiên, công ty này không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho chị, nếu muốn đóng thì phải tự bỏ tiền ra để nhờ công ty đóng BHXH cho mình. Thế nhưng công ty cũng chỉ đóng giúp vài tháng rồi thông báo ngưng, không đóng nữa.
“Bản thân tôi rất muốn tham gia BHXH, BHYT, BHTN để nếu có lỡ bệnh tật thì được bảo hiểm chi trả viện phí. Hơn nữa, nếu không được đóng BHXH, lỡ sau này thất nghiệp thì sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp, thiệt thòi đủ thứ” - chị Trang chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng, một nhân viên bảo vệ tại quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết trước đây công ty của ông có đóng BHXH, BHYT cho ông. Thế nhưng từ hai năm nay, công ty đã ngưng đóng dù ông vẫn làm việc bình thường.
“Nhiều lần tôi có hỏi nhân viên công ty tại sao lại ngưng đóng các khoản bảo hiểm cho tôi thì được trả lời đây là chỉ đạo của công ty. Đồng thời, người này cho hay nếu không đồng ý theo điều khoản của công ty thì tôi có thể chọn một công ty khác để làm. Vì cần có việc làm nên tôi chấp nhận tự bỏ tiền ra mua BHYT theo hộ gia đình để đi khám chữa bệnh” - ông Hùng cho biết thêm.
Hai giải pháp chặn DN nợ, trốn đóng BHXH
Trao đổi với PV về các giải pháp thu hồi số tiền chậm, nợ đóng BHXH, BHYT để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, một đại diện cơ quan BHXH TP.HCM cho biết có hai giải pháp chính. Thứ nhất là cơ quan BHXH sẽ theo dõi, giám sát thường xuyên và gặp gỡ DN. Thứ hai, phối hợp với các sở, ngành để có biện pháp xử lý những đơn vị trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm cho NLĐ.
Cụ thể, cơ quan BHXH phân công và giao kế hoạch cho từng viên chức thực hiện công tác thu, nợ, giám sát định kỳ hằng tuần, tháng, quý, năm để đánh giá kết quả thực hiện.
Vào định kỳ ngày 25 và ngày 5 hằng tháng, cán bộ BHXH sẽ gửi thông báo cho DN qua mail, Zalo… để theo dõi tình hình nộp tiền của DN đến ngày cuối cùng của tháng. Nếu DN chưa thanh toán tiền, sẽ gọi điện thoại yêu cầu đơn vị nộp tiền cho cơ quan BHXH.
Đồng thời, với những trường hợp DN vẫn chưa khắc phục số tiền nợ, BHXH TP.HCM sẽ chủ động gửi thư mời làm việc đối với các đơn vị nợ từ ba tháng trở lên và số tiền nợ từ 50 triệu đồng trở lên. Cụ thể là đôn đốc nhắc nhở, lập biên bản, yêu cầu trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.
Ngoài ra, cơ quan BHXH sẽ đăng tải danh tính các DN nợ BHXH, BHYT, BHTN từ sáu tháng và có số tiền nợ từ 300 triệu đồng trở lên trên trang web của cơ quan BHXH TP.HCM.
Song song đó, cơ quan BHXH cũng tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đột xuất đối với các DN không chấp hành đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Cơ quan BHXH cũng lập hồ sơ kiến nghị khởi tố các DN vi phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Cũng theo đại diện cơ quan BHXH TP.HCM, đối với công tác phối hợp với các sở, ngành, cơ quan BHXH phối hợp với UBND quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã hỗ trợ cơ quan BHXH trong việc xác minh tình trạng hoạt động của DN để giảm số “nợ ảo” do đơn vị ngưng hoạt động nhưng không thông báo với cơ quan BHXH; phối hợp với Thanh tra Sở LĐ-TB&XH thanh tra các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.
Hằng quý, cơ quan BHXH phối hợp với Liên đoàn Lao động TP cung cấp danh sách các DN nợ từ ba tháng trở lên để kịp thời nắm bắt việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH của các DN…
Mức phạt khi doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH
Về mức xử phạt vi phạm hành chính, tại khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022 quy định phạt tiền 12%-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Sồ tiền phạt tối đa không quá 75 triệu đồng, đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN; đóng BHXH, BHTN không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng…
Tại điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022 quy định phạt tiền 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự….
Về mức xử phạt hình sự thì tại Điều 216 BLHS quy định xử lý tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.
Cụ thể, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ sáu tháng trở lên, tùy vào mức độ vi phạm mà bị phạt tù 1-7 năm tù.
Luật sư TRỊNH NGỌC HOÀN VŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM