“Đối với Người, nhân dân là từ lớn nhất, đẹp nhất và mạnh mẽ nhất” - GS-TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, bày tỏ trong tham luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dựa vào dân, lắng nghe tâm tư của dân
Theo GS-TS Tạ Ngọc Tấn, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ quốc, nhân dân là những điều tốt đẹp nhất mà Người đấu tranh và dâng hiến. Đó cũng chính là chân lý cuộc sống rất rõ ràng, dễ hiểu.
“Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục vụ chân lý”. Dẫn lại nội dung này, GS Tạ Ngọc Tấn cho rằng chân lý ấy chi phối và thể hiện trong tất cả quyết định, mọi phương pháp, hành vi của hoạt động lãnh đạo trong thực tiễn của Người, nhất là trong những thời điểm khó khăn, phức tạp.
GS Tạ Ngọc Tấn cho hay Bác luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng muốn lãnh đạo cho đúng thì việc đầu tiên là phải “quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng”. “Muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của nhân dân”. Có nghĩa là phải dựa vào dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, xem đâu là mong muốn, lợi ích chính đáng của nhân dân.
“Hồ Chí Minh cống hiến cả đời mình cho dân tộc, quên tình riêng vì nghĩa lớn, quên mình cho nhân dân. Người là một người như bao nhiêu người khác, có tình yêu rộng lớn, cao cả dành cho quê hương, đất nước, nhân dân và cũng có tình yêu tha thiết, thầm kín cho gia đình, người yêu thương” - GS Tạ Ngọc Tấn bày tỏ.
Với tình yêu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi hết cuộc đời mình với một tình yêu lớn - tình yêu non sông, đất nước, chỉ với một gia đình lớn - gia đình dân tộc, nhân dân.
Quan điểm về nhân dân cũng luôn luôn được Người nhấn mạnh rằng nhân dân là chủ nhân của đất nước, của chế độ xã hội và đảng viên, cán bộ lãnh đạo là “đầy tớ” của nhân dân.
“Người nói như thế và sống đúng như thế, tự giác như một sự tất yếu là như thế, yêu thương, trân trọng với mỗi con người, chia sẻ hòa đồng không kể cấp bậc, địa vị xã hội” - GS Tạ Ngọc Tấn đúc kết.
Nhân dân Pác Bó - Hà Quảng đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm (ngày 20-2-1961). Ảnh: Tư liệu
“Bắt đầu từ nhân dân và trở về với nhân dân”
Theo GS Tạ Ngọc Tấn, xuất phát từ tư tưởng quên mình cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đặc biệt coi trọng dân chủ và thực hành dân chủ. Đó cũng là phong cách lãnh đạo của Người, khi cho rằng dân chủ trước hết là nhận thức đúng, tôn trọng, bảo vệ và thực hành quyền của người dân với tư cách là chủ nhân của đất nước, chủ nhân của chế độ xã hội.
Người coi thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng của lãnh đạo, có thể giải quyết mọi khó khăn trong công tác thực tiễn. Nhưng Bác cũng đặc biệt lưu ý, dân chủ đối lập với tự kiêu. Theo Người: “Tự kiêu nhất định sẽ đi đến thất bại. Vì kiêu ắt đi đôi với nịnh. Đã kiêu thì ắt ghét những người tài giỏi hơn mình. Ưa kẻ nịnh hót mình”.
Theo GS Tạ Ngọc Tấn, nội dung trên được Bác thể hiện bằng chân lý: “Ý dân là trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Từ đó, mọi chính sách hay quyết định của Người, từ khâu đề ra mục tiêu, xây dựng lực lượng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ để đạt được mục tiêu đến kiểm tra, đánh giá, đảm bảo hiệu quả thực hiện mục tiêu đều phải “bắt đầu từ nhân dân và trở về với nhân dân”.
Người cũng nói rằng: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng mà ra, trở lại với quần chúng”. Qua đó, GS Tạ Ngọc Tấn khẳng định: Hồ Chí Minh là người tôn trọng nhân dân, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân.