Chàng bác sĩ lặn lội khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ

Vốn là người yêu thích các dự án cộng đồng, từ khi còn là sinh viên, chàng sinh viên Trương Minh Tấn Đạt (hiện là giảng viên bộ môn Nhi ĐH Duy Tân, Đà Nẵng) đã cùng với hai người bạn của mình thành lập một câu lạc bộ gia sư dạy kèm miễn phí cho trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực TP.HCM.

 Ý tưởng từ những hoàn cảnh trẻ em đau lòng

Cũng từ công việc gia sư dạy kèm miễn phí, chàng sinh viên trẻ tình cờ khám phá ra những bất cập trong mảng chăm sóc y tế tại các trung tâm - mái ấm nơi các em đang được nuôi dưỡng. Đó là những bản tin hướng dẫn chăm sóc sức khỏe được sao chép từ những tài liệu không rõ nguồn gốc trên Internet, là những hộp thuốc đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn nằm chễm chệ trong tủ thuốc phòng y tế, là những lần học trò của anh bị sốt cao nhưng không dám báo với người chăm sóc vì sợ phải uống một lần quá nhiều thuốc mà không biết đó là loại gì, trị bệnh nào.

Đến đầu năm 2018, khi đã có được tấm bằng bác sĩ (BS) nội trú nhi khoa và vốn kinh nghiệm làm việc ở các bệnh viện (BV) nhi lớn như BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BS Đạt mới bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Và dự án chăm sóc sức khỏe cho trẻ em kém may mắn “Health for Every Childs” (H.E.C) được hình thành với sự cộng tác của tám bác sĩ, dược sĩ đến từ nhiều BV, trung tâm chăm sóc sức khỏe trên địa bàn TP.

Dự án là chuỗi các chương trình khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em tại các mái ấm, lớp học tình thương, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ lang thang cơ nhỡ thuộc khu vực TP.HCM. Cứ mỗi 4-6 tháng, các em học sinh ở các cơ sở sẽ được nhóm BS trở lại khám sức khỏe tổng quát một lần. Đối với trẻ em đang trong cơn bệnh, nếu nằm trong khả năng điều trị của nhóm thì sẽ được các BS trong nhóm trực tiếp điều trị và theo dõi. Trường hợp bệnh của trẻ ngoài khả năng điều trị của nhóm, các BS sẽ tư vấn với người phụ trách các cơ sở, mái ấm chuyển các em đến các BV nhi phù hợp để được điều trị hiệu quả hơn. Tất nhiên, tất cả đều miễn phí.

“Trong những lần đi khảo sát các cơ sở, mái ấm để lên kế hoạch làm chương trình, tôi đã được nghe kể không ít câu chuyện về các em nhỏ vì gia đình quá khó khăn, cha mẹ chỉ lo bận rộn với công việc mà không chú ý đến sức khỏe của con. Từng có em ban đầu chỉ bị sốt nhẹ nhưng không được chăm sóc đúng cách đã dẫn đến tử vong. Những câu chuyện đó cứ ám ảnh tôi, thôi thúc tôi phải bắt tay vào dự án dù thời gian đầu chưa có gì trong tay” - BS Đạt tâm tình.


BS Trương Minh Tấn Đạt hướng dẫn tận tình cho trẻ khám bệnh. Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Khi quyết định cùng mọi người làm dự án, mục tiêu của các BS là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đó cũng là lý do trong dự án có hẳn một nhóm chuyên làm công tác nhập liệu tình trạng sức khỏe của các em nhỏ sau mỗi buổi khám. “Đây là tài liệu để chúng tôi dễ dàng theo dõi tình trạng sức khỏe của các em, đồng thời cũng là tư liệu để nhóm có thể phân tích, nghiên cứu và đưa ra những hoạt động bổ ích nhằm cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe cho các em và những người trực tiếp chăm sóc” - BS Đạt cho biết.

Nói về lý do nhận lời tham gia dự án, BS Trần Điệu Linh (phòng khám nha khoa Tâm Đức, quận Bình Tân, TP.HCM), một thành viên của dự án, chia sẻ: “Ở H.E.C, các em được dự phòng và phát hiện sớm nhất các bệnh mà các em có thể mắc phải thông qua việc thăm khám định kỳ. Đó là điều mà tôi tâm đắc nhất ở dự án này và quyết định tham gia, cống hiến”.

Chỉn chu trong từng công đoạn

Tính đến nay, dự án H.E.C đã đi vào hoạt động được gần một năm, tổng cộng đã có gần 350 em nhỏ được thăm khám. Dù còn nhiều khó khăn do phải tự chủ về tài chính nhưng BS Đạt và mọi thành viên trong nhóm luôn cố gắng chuẩn bị mọi thứ chỉn chu nhất có thể. Tất cả loại thuốc được sử dụng trong các buổi khám đều là những loại thuốc tốt nhất được các BS lên danh sách kỹ lưỡng. Một phần thuốc được BV quận 2 (TP.HCM) tài trợ, phần còn lại chủ yếu do các BS vận động người thân, bạn bè hoặc tự bỏ tiền túi đóng góp.

Dù là một chương trình thiện nguyện nhưng điều đặc biệt ở dự án H.E.C là trước mỗi chương trình, bao giờ nhóm dự án cũng sẽ gửi thư mời đến tận tay phụ huynh của các em nhỏ. Giải thích về điều này, BS Đạt cho biết: “Có những gia đình vì phải chạy theo cơm áo gạo tiền hằng ngày mà đôi khi cha mẹ quên chú ý đến sức khỏe của con. Qua các thư mời, nhóm mong muốn các bậc cha mẹ có thể cảm nhận được tâm huyết của những người thực hiện dự án, từ đó tác động phần nào đến suy nghĩ của họ, khuyến khích họ quan tâm hơn đến sức khỏe của con trẻ”.

Bên cạnh hoạt động khám, chữa bệnh, dự án còn tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại các đơn vị là mái ấm, nhà mở, lớp học tình thương, cơ sở giáo dục dành cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Qua đây dự án mong muốn các em nhỏ, đặc biệt là các bậc cha mẹ và những người trực tiếp chăm sóc các em ở các cơ sở sẽ biết cách bảo vệ sức khỏe các em một cách khoa học.

Như chiếc thẻ bảo hiểm y tế trọn đời

Lớp học của tôi có đến gần 100 học sinh đều là trẻ nhập cư. Do không có hộ khẩu nên các em không được đi học ở các trường chính quy, cũng không có bảo hiểm y tế. Mỗi khi các em bị bệnh tật thì thật sự rất khó khăn. Sự hỗ trợ của nhóm các BS của dự án H.E.C đối với các em học sinh của tôi giống như một chiếc thẻ bảo hiểm y tế trọn đời vậy. Điều đó làm tôi cảm thấy rất yên tâm.

TRẦN THỊ PHƯƠNG MAI, giáo viên lớp học tình thương
xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Mong mở rộng hoạt động ra nhiều tỉnh, thành

BS Trương Minh Tấn Đạt cho biết hiện tại do chưa đủ tiềm lực về tài chính nên dự án chỉ đang tập trung thực hiện ở khu vực TP.HCM. Thời gian sắp tới, BS mong muốn sẽ mở rộng hoạt động ra nhiều tỉnh, thành hơn để ngày càng có nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc tốt hơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm