Chiều 28-6, BV Tai Mũi Họng TP.HCM đã chia sẻ về ca phẫu thuật cực kỳ khó trong điều trị nối khí quản cho một thanh niên Campuchia (28 tuổi).
Cách đây hai năm, chàng trai đi làm ở Campuchia chạy xe máy ngang công trường có căng dây vào buổi tối, do không nhìn thấy nên bệnh nhân bị sợi dây cắt ngang cổ.
Nhập viện tại Campuchia, chàng trai được xử trí bằng cách mở khí quản cấp cứu. Tuy nhiên, chàng trai sau đó không nhập viện điều trị và bị sẹo hẹp, dần bít luôn khí quản nên chỉ thở qua ống mở khí quản và không nói được suốt hai năm trời.
Trong lần qua Việt Nam giao chổi, chàng trai được bạn hàng đưa đến BV Tai mũi họng TP.HCM điều trị nhưng khó khăn về chi phí, giao tiếp nên anh từ bỏ.
BS Chung Thủy đang thăm khám cho chàng trai. Ảnh: HL
Theo PGS-TS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM, mới đây bệnh nhân này tìm đến bệnh viện mong muốn được điều trị rút ống mở khí quản. Tuy nhiên, đây là ca phẫu thuật cực kỳ phức tạp vì bệnh nhân bị sẹo hẹp hoàn toàn tắt hết khí quản. Đoạn hẹp lại sát phần sụn nhẫn nên mức độ khó càng nhân lên. Chưa kể, do là người Campuchia không biết tiếng Anh và các bác sĩ cũng... không biết tiếng Campuchia nên việc theo dõi điều trị càng thêm khó khăn.
“Cũng may chúng tôi gặp được một bệnh nhân khác đang điều trị tại bệnh viện, người này quê ở An Giang, thường xuyên tiếp xúc với người Campuchia nên rất rành ngôn ngữ. Vì vậy chúng tôi nhờ chị này phiên dịch để trao đổi người với nhà bệnh nhân trên để tìm ra hướng điều trị thích hợp nhất” - PGS-TS Trần Phan Chung Thủy cho biết.
BS CK 2 Thái Hữu Dũng, người cũng tham gia trực tiếp vào ca phẫu thuật cũng thông tin: “Các nước trên thế giới chỉ cắt nối từ 2-4 cm nhưng với bệnh nhân này, chúng tôi phải cắt nối đoạn khí quản đến 5 cm, rất khó khăn. Sau ca phẫu thuật hai ngày, chúng tôi rút nội khí quản, ngày thứ ba thì rút ống dẫn lưu và đến ngày thứ bảy thì rút ống nuôi ăn. Hiện bệnh nhân đã có thể ăn theo đường miệng và phát âm được, thở theo đường mũi họng”.
Được biết sau khi rút ống nội khí quản, bệnh nhân được tập vật lý trị liệu tập nói và tập nuốt, do nhiều năm không nói nên cơ quan phát âm mất phản xạ hoạt động. “Khi nói được vài chữ, bệnh nhân này đã rớt nước mắt khiến chúng tôi vô cùng cảm động” - BS Dũng kể.