Dự án xây mới BV Đa khoa khu vực Mộc Hóa được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 1999 trên cơ sở nâng cấp BV Đa khoa huyện Mộc Hóa đã có sẵn.
Lạ đời xây bệnh viện trên… hầm đất
Thế nhưng đến năm 2013, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế làm chủ đầu tư dự án này với chủ trương xây mới, tổng vốn 640 tỉ đồng. Trong đó, chỉ hơn phân nửa số vốn là 330 tỉ đồng được đầu tư xây dựng, số còn lại được chi cho việc quản lý tư vấn 56 tỉ đồng, trang thiết bị 45 tỉ đồng và chi phí dự phòng trượt giá 165 tỉ đồng. Ban đầu, bệnh viện dự kiến 250 giường, tuy nhiên sau đó chủ đầu tư xin nâng lên 500 giường với lý do phục vụ thêm cho các huyện lân cận lẫn nước bạn Campuchia. Thời gian xây dựng hoàn thành từ nay đến năm 2018.
Khu vực được quy hoạch làm bệnh viện “khủng” tọa lạc tại phường 1, thị xã Kiến Tường, cách bệnh viện cũ khoảng 2 km. Diện tích đất dự án này rộng hơn 5 ha nằm trong khu vực đất hoang trũng sình lầy cỏ mọc um tùm. Điều đáng nói là toàn bộ diện tích đất này có khoảng 10 hầm đất nối tiếp nhau, sâu 3-5 m mà trước đây quá trình chính quyền địa phương đào lấy đất làm đường đã bỏ lại, được người dân tận dụng thả cá nuôi.
“Là người sống lâu năm ở địa phương, theo tôi biết thì đất tại khu vực này không thiếu. Vậy mà không hiểu vì lý do gì mấy ổng không xây ở đâu lại đưa bệnh viện vào khu vực hầm đất sâu không thấy đáy này để tốn thêm chi phí san lấp” - ông Trần Văn Đức, cựu chiến binh ngụ KP9, phường 1, thị xã Kiến Tường, nói.
Cũng theo cách tính của những người dân địa phương, để san lấp toàn bộ diện tích mặt bằng hơn 5 ha với độ sâu 4-5 m phải cần đến khoảng trên 200.000 m3 cát, với giá hiện nay cũng phải mất ngót nghét gần 30 tỉ đồng. Trong khi đó, mỗi hecta đất ruộng hiện nay tại địa phương có giá chỉ khoảng 400 triệu đồng, nhân với 5 ha thì chỉ có 2 tỉ đồng, tính tất cả chi phí san lấp, vận chuyển… thì cũng chỉ tốn từ 10 tỉ đồng trở lại.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Mộc Hóa hiện nay.
Toàn bộ khu đất nền của bệnh viện mới có khoảng 10 hầm đất.
Quá “phong lưu”!
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm cho biết chính ông là người ký vào tờ trình dự án, tuy nhiên tờ trình này là do ý kiến của số đông. Riêng bản thân ông vẫn cho rằng việc xây mới bệnh viện là lãng phí không cần thiết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, vị trí bệnh viện cũ hiện nay nằm ở trung tâm của thị xã Kiến Tường, gần quốc lộ 62 và sông Vàm Cỏ Tây nên rất thuận tiện cho việc đi lại của người dân.
Thầy thuốc ưu tú, BS Võ Văn Thắm, Giám đốc BV Đa khoa vực Mộc Hóa hiện nay, thông tin bệnh viện có nhiều khu, trong đó khu điều trị ba tầng kinh phí 9 tỉ đồng vừa mới xây dựng từ năm 2007, bệnh viện cũng đã có đủ máy móc để mổ nội soi. Hiện nay, tại bệnh viện có 180 giường nhưng do nhu cầu bệnh nhân nên đã kê thêm 48 giường nữa.
“Hiện tại khu bệnh viện mới đã hoàn thành xong phần giải phóng mặt bằng, khi bệnh viện mới xây xong chúng tôi sẽ di dời toàn bộ trang thiết bị sang, trụ sở bệnh viện cũ sẽ giao lại cho địa phương quản lý, họ sử dụng để làm gì chúng tôi cũng không rõ” - ông Thắm nói.
Trong khi đó, tại BV Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa (Đức Hòa) hiện nay có 270 giường, do số lượng bệnh nhân đông nên bệnh viện phải kê thêm 130 giường. Tại BV Đa khoa Cần Giuộc, ThS-BS Nguyễn Văn Bay cũng thông tin bệnh viện đưa vào hoạt động từ năm 2006 với 100 giường, đến nay do đã quá tải lượng bệnh nhân nên phải kê thêm 200 giường nữa, khuôn viên bệnh viện vì thế rất chật chội, mỗi bác sĩ hằng ngày phải tiếp nhận trung bình trên 100 bệnh nhân (theo quy định mỗi bác sĩ chỉ khám 40 bệnh nhân/ngày).
Cũng theo ông Liêm, BV Đa khoa Mộc Hóa hiện nay vẫn còn sử dụng tốt nên nếu cần đầu tư nâng cấp thêm thì chỉ cần tốn khoảng 100 tỉ đồng. Số tiền này đã bao gồm luôn chi phí mua sắm trang thiết bị lẫn đào tạo nâng cao trình độ tay nghề của lực lượng y, bác sĩ, bằng 1/6 số tiền so với xây mới. Vì với dân số 45.000 người như hiện nay tại thị xã Kiến Tường, nếu tính tầm nhìn xa đến 5-10 năm nữa tại khu vực này cũng chỉ cần bệnh viện 200, 250 giường là đủ.
“Trong điều kiện kinh phí khó khăn như hiện nay thay vì đầu tư chuyên sâu nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, chúng ta lại muốn xây quá quy mô. Tôi cho rằng xây kiểu này là quá phong lưu. Trong khi đó, cùng nhiều địa phương khác như Cần Giuộc lượng bệnh nhân quá tải hơn nhiều nên đáng lẽ cần được ưu tiên đầu tư nâng cấp hơn, tại Đức Hòa cũng do quá tải nên nhiều bệnh nhân còn phải nằm ngoài hành lang, tôi thấy rất xót” - ông Liêm nói.
HOÀNG NAM
Ông PHẠM VĂN RẠNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Sẽ xem xét lại vị trí của bệnh viện . PV: Thưa ông, hiện dư luận cho rằng vị trí mới của bệnh viện sẽ gây lãng phí ngân sách nhà nước, ông có ý kiến gì về vấn đề này? + Ông Phạm Văn Rạnh: Khu vực này hiện nay có người khen, có người chê lãng phí. Vì có dư luận như nói trên nên UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Y tế xem xét lại sự phù hợp của vị trí này. Vị trí này đã được phê duyệt từ các lãnh đạo nhiệm kỳ trước, hiện nay UBND tỉnh chỉ tổ chức thực hiện thôi. . Vậy còn ý kiến quy mô 500 giường bệnh là không cần thiết? + Dự án này tính đến tương lai lâu dài thị xã Kiến Tường sẽ là đô thị trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười, không chỉ phục vụ dân trong tỉnh mà còn cho dân nước bạn Campuchia. Nếu bệnh viện phục vụ tốt và có tiếng tăm thì chắc chắn sẽ thu hút bệnh nhân, số lượng giường bệnh như trên là phù hợp rồi. . Nhưng căn cứ vào đâu để đưa ra quy mô 500 giường mà không phải là con số khác thưa ông? + Cái này phải hỏi lại Sở Y tế thời điểm đó tham mưu như thế nào. . Xin cảm ơn ông. _________________________________ Ông Đặng Văn Sáng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Long An, cũng thông tin hiện tờ trình xây dựng BV Đa khoa khu vực Mộc Hóa của Sở Y tế vẫn chưa được sở này phê duyệt vì còn đang trong quá trình thẩm định. |