Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM - chủ đầu tư), tổng mức đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lên đến gần 25.000 tỷ đồng nên phải chia thành 2 giai đoạn.
Trong đó, ở giai đoạn 1A, sẽ có 2 làn xe cao tốc, bố trí làn dừng khẩn cấp và được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Giai đoạn 1B sẽ đầu tư mở rộng lên 6 làn xe với hình thức được đề xuất là vốn vay ODA.
CIPM cũng đưa ra 2 phương án hoàn vốn cho dự án. Theo đó, phương án 1 (từ năm 2019) thu phí cả 2 đoạn TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận, thời gian thu phí khoảng 15 năm. Phương án 2 sẽ thu phí đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận trong 20 năm, hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí đoạn TP HCM - Trung Lương từ năm 2019 trong thời gian nhất định.
Để dự án có thể khởi công trong năm nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu chủ đầu tư phối hợp các cơ quan liên quan điều chỉnh thiết kế Dự án BOT trong thời gian 10 ngày (trước 10/8); Đồng thời, giao CIPM đánh giá năng lực của từng nhà đầu tư, lựa chọn liên danh nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu, tiến độ và báo cáo Bộ trước 15/8.
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ nối với
đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. (Ảnh: Lê Anh)
Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 54 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam có điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, điểm cuối tại nút giao bờ Bắc cầu Mỹ Thuận; tốc độ thiết kế là 120 km/h.
Trước đây, dự án này được giao cho do Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) làm chủ đầu tư và đã khởi công hồi cuối tháng 11/2009. Tại thời điểm này, tổng số vốn để xây dựng dự án là 19.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau 2 năm không huy động được vốn nên đơn vị này đã trả lại dự án. Sau đó, dự án được giao cho Cửu Long CIPM quản lý và tìm kiếm các nguồn vốn ngoài ngân sách để xây dựng./.