Chàng trai khiếm thị vượt qua bóng tối cuộc đời mình

Sinh năm 2000, trải qua 20 lần phẫu thuật nhưng đến năm lớp 8, đôi mắt của Nguyễn Đức Nghị (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đã chìm trong bóng tối. Từ đó, Nghị bắt đầu một hành trình mới đầy gian truân và nỗ lực trong cuộc đời mình.

Cú sốc không thể vực dậy

Lúc được sinh ra, Nghị cũng có đôi mắt bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, đến tháng thứ tư, mắt cậu bắt đầu xuất hiện dấu hiệu lạ: mắt bị kéo màng trắng và chảy nước liên tục. Bác sĩ kết luận cậu bị mắc bệnh Glocom bẩm sinh, một căn bệnh nguy hiểm khiến mắt mờ, có thể mất đi thị lực. Từ đó, bố mẹ đã cùng Nghị đi một hành trình dài để chạy chữa. Trải qua 4-5 lần mổ, Nghị mới có thể giữ được thị lực 1/10.

Khi lớn lên và đi học, Nghị gặp rất nhiều khó khăn do thị lực quá kém. Suốt những năm học cấp 1, cấp 2, cậu đều được cô giáo cho ngồi ở bàn đầu nhưng Nghị vẫn không nhìn rõ chữ trên bảng, luôn phải chép bài của bạn.

Thế rồi đến cuối năm lớp 7, đầu năm lớp 8, thị lực của Nghị lại tiếp tục giảm xuống. Cả nhà khăn gói ra khám ở Viện mắt Trung ương, bác sĩ kết luận cậu bị bong võng mạc, Nghị lại cùng bố mẹ tiếp tục cuộc hành trình mổ thêm nhiều lần.

Nguyễn Đức Nghị là một trong 50 gương thanh niên tiêu biểu được tuyên dương . Ảnh: HĐ

Trải qua tổng cộng hơn 20 lần mổ, căn bệnh tai quái vẫn không để Nghị được nhìn thấy ánh sáng. "Lúc còn bé, mình chỉ nhìn được 1/10, cũng rất hạn chế so với người bình thường, nhưng vẫn không khủng khiếp bằng việc không nhìn thấy gì vào năm lớp 8. Thời gian đó, mình bắt đầu lớn rồi, cũng có nhiều hoài bão. Vậy nên, đối diện với việc không nhìn thấy gì, đối với mình, nó giống như một cú sốc không thể vực dậy"-Nghị chia sẻ.

Khoảnh khắc sụp đổ đó cũng được Nghị chia sẻ trong cuộc thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi. Nghị tâm sự, ngày lên lớp 8 cũng là ngày cậu mất hoàn toàn thị lực và rơi vào bóng tối vô tận. Cuộc sống của Nghị lúc đó chỉ giới hạn trong bốn bức tường. Mọi thứ trôi đi nhạt nhẽo, ban đầu là sự đau khổ, bi quan, tuyệt vọng, rồi tất cả cảm xúc trở thành trống rỗng.

"Tôi sống lặng lẽ như chiếc bóng. Lại một lần nữa, mẹ yêu thương nắm lấy tay tôi. Mẹ cùng tôi bắt đầu học mọi thứ từ đầu, học cách phân biệt quần áo bằng xúc giác, đi lại ban đầu là trong nhà, rồi ra sân, xa hơn là định hướng di chuyển quanh ngõ"- Nghị viết trong bài dự thi.

Tâm sự với chúng tôi, Nghị hồi tưởng về lúc còn bé, bố mẹ chở cậu bằng xe máy từ Bắc Ninh lên Hà Nội khám bệnh, trời Hà Nội thì mưa tầm tã, xe vừa đi vừa chết máy.

“Vào đến viện, nghe bác sĩ kết luận mắt như thế, mẹ mình ngồi thụp xuống khóc luôn. Nhưng mà mẹ bảo mẹ phải vượt qua được thì mới có thể đồng hành với con. Cứ thế mãi cho đến bây giờ”- Nghị nói.

Viết lên ước mơ của mình 

Lúc nhỏ, bố mẹ Nghị làm nông, mỗi lần đi tiêm một mũi hết tiền triệu phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để trang trải. Từ khi có khu công nghiệp ở gần nhà, gia đình chuyển sang buôn bán, hoàn cảnh gia đình đỡ hơn được một chút. Tưởng rằng nỗi vất vả qua đi thì sẽ có niềm vui đến, thế nhưng một lần nữa, đôi mắt tật nguyền lại đánh gục ý chí của cậu bé 14 tuổi.

Suốt bốn năm cấp 2, Nghị không hề biết đến công cụ hỗ trợ nào dành cho người khiếm thị, không biết chữ nổi, không biết sử dụng máy tính. Lúc tốt nghiệp cấp 2, Nghị nộp hồ sơ lên các trường cấp 3 thì không có trường nào nhận.

Nguyễn Đức Nghị (thứ 3 từ phải sang) trong một dự án đào tạo. Ảnh: HĐ

"Nghị nhớ như in ngày đứa em trai hay dẫn mình đi học đỗ vào cấp 3, mẹ vừa chúc mừng em ấy mà giọng cũng lặng xuống vì xót. Nhìn con người ta được đi học, con mình thiệt thòi nên mẹ cũng chạnh lòng. Nhưng chính điều đó đã làm mình có động lực hơn. Trong đầu mình nghĩ nay mai nếu mình có cơ hội mình được đi học, thì mình sẽ học hết tất cả những gì có thể học, có bao nhiêu mình sẽ học bấy nhiêu"- Nghị chia sẻ.

Để con có thể tiếp tục giấc mơ đi học, Nghị được mẹ dẫn đến tham gia Hội người mù thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) và được các cô chú giới thiệu đi học máy tính, học cấp 3 ở Hà Nội. Đối với một cậu bé 15 tuổi với đôi mắt mất đi thị lực, quãng đường từ Bắc Ninh lên Hà Nội xa xôi hơn trên thực tế gấp trăm lần. "Bố mẹ Nghị lo lắm, kiểu mười mấy năm sống với gia đình, được bố mẹ chăm lo, giờ một mình đi lên trên đấy không biết ăn uống thế nào,"-Nghị cười nói.

Từ những dòng chữ nổi đầu tiên, Nghị bắt đầu viết lên ước mơ của mình...

Hiện nay, Nghị đang là sinh viên năm 3 ngành Quan hệ Công chúng tại Học viện Thanh Thiếu niên - một ngành phải gặp gỡ nhiều, nói nhiều, và làm nhiều.

Nghị cũng là chủ nhân của nhiều giải thưởng như: Giải ba cuộc thi Hành trình Bước qua bóng tối, Giải ba Ý tưởng Thanh niên với An toàn giao thông

Suốt buổi nói chuyện, thỉnh thoảng lại có khách vào để xoa bóp, bấm huyệt. Đôi bàn tay đã từng mò mẫm cả đêm để học chữ nổi, đánh máy tính, giờ lại uyển chuyển, cẩn thận từng chút một khi làm việc. Dường như tất cả những gì kém may mắn ở đôi mắt đã được chuyển sang cho đôi bàn tay và khối óc. Nghị hay cười, kể cả lúc nói đến chuyện không vui.

Nguyễn Đức Nghị là một trong 50 gương thanh niên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức vào ngày 12 đến 13-12-2021 tại Hà Nội .  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới