Ngày 8-12, mở đầu phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Đồng Nai, đại biểu Huỳnh Ngọc Kim Mai (Tổ đại biểu đơn vị huyện Trảng Bom) đã chất vấn Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai.
Đại biểu đề nghị Chánh án cho biết thời gian qua, rất nhiều công dân khiếu nại, kiến nghị phản ánh các vụ án dân sự kéo dài nhiều năm vẫn chưa được tòa đưa ra xét xử thì nguyên nhân, trách nhiệm trong việc kéo dài thời gian xét xử là như thế nào?
Trả lời vấn đề này, ông Võ Văn Phước, Chánh án TAND tỉnh, cho biết Đồng Nai là địa phương đứng thứ 3 cả nước về số vụ án.
Năm 2023, trong số hơn 25.300 vụ, việc mà tòa án hai cấp đã thụ lý có hơn 20.800 vụ việc dân sự. Tòa án 2 cấp đã giải quyết hơn 16.300 vụ việc dân sự đạt 78%. Hiện còn hơn 4.500 vụ việc vẫn đang tồn động chưa được giải quyết.
Trong khi đó chỉ tiêu của TAND Tối cao đề ra mỗi thẩm phán sẽ xử lý 85 vụ/năm nhưng thẩm phán ở Đồng Nai phải xử lý đến 101 vụ/năm. Bên cạnh đó là biên chế giao cho tất cả hai cấp là 404 người, nhưng hiện còn thiếu 79 biên chế.
“Trong khi đó lượng án ở Đồng Nai tăng mỗi năm, năm 2016 mới có 12.000 vụ đến năm 2023 đã hơn 25.000 vụ án. Có nghĩa trong 7 năm lượng án tăng tăng gấp đôi nhưng biên chế con người chưa có sự thay đổi nào. Con người tòa không tự chủ mà quyết định của Tòa Tối cao nên chúng tôi luôn thiếu con người” - Chánh án TAND tỉnh nói thêm.
Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai cũng thông tin ở TP Biên Hòa là một trong những thành phố có lượng án cao nhất nước. Hiện có tình trạng một thư ký làm việc cho 2, 3 thẩm phán; đặc biệt ở TP Biên Hòa có thư ký làm việc cho 4, 5 thẩm phán. Mà công việc tố tụng lại là của thư ký nên rất áp lực.
Chính vì vậy, năm vừa qua có rất nhiều thư ký, thẩm phán nghỉ việc. "Có thẩm phán vừa làm Phó Chánh án Tòa án huyện cũng xin nghỉ việc ra ngoài làm vì quá áp lực công việc"- ông Phước thông tin.
Lý giải tại sao án dân sự thường kéo dài, ông Võ Văn Phước giải thích luật quy định thời gian xử lý vụ án dân sự là bốn tháng có thêm hai tháng nếu nguyên nhân khách quan làm kéo dài thì trong luật cho phép. Bên cạnh đó, án dân sự thẩm phán phải làm tất cả từ việc thu thập hồ sơ, xử lý.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân là rất nhiều án dân sự nhưng tập trung vào các vụ việc, như: tranh chấp đất đai, tranh chấp dân sự liên quan đến nước ngoài.
Vì vậy, để có giải pháp căn cơ để xử lý những hạn chế còn tồn tại, theo ông Võ Văn Phước, cái quan trọng nhất là con người, "không có con người thì không thể làm". Tòa án tỉnh sẽ thường xuyên theo dõi tiến độ, chất lượng giải quyết từng vụ việc cụ thể của các thẩm phán; đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ, công chức liên quan.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đề nghị Chánh án thông tin thêm hơn 4.500 vụ án còn tồn thì có bao nhiêu vụ án kéo dài 3 năm, 5 năm trở lên? Tuy nhiên, ông Võ Văn Phước cho biết đang thống kê lại vụ việc cụ thể rồi báo cáo Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.
"Rất nhiều đơn thư phản ánh gửi đến Thường trực HĐND có những vụ án dân sự kéo dài tôi thấy có vụ 7-10 năm chậm đưa ra xét xử, gây ra bức xúc của người dân. Cho đến thời điểm tại thì chưa thống kê số vụ tồn từ 3 năm trở lên để xem xét xử lý trong thời gian sắp tới. Vì vậy tôi đề nghị đồng chí Chánh án quan tâm hơn trong thời gian tới" - Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo nhấn mạnh.