Chấp hành viên làm sai, dân chịu thiệt thòi

Hơn chín năm qua, bà Lê Thu Hồng, phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp phải chạy từ cơ quan này đến cơ quan khác mà vẫn chưa được thi hành án (THA), dù trước đó cơ quan THA đã ra quyết định cưỡng chế tài sản chuẩn bị bán đấu giá.

Chín năm vẫn chưa được THA

Theo bà Hồng, năm 2005, bà cho vợ chồng ông Nhu vay hơn 130 triệu đồng nhưng đến hạn vợ chồng ông Nhu không trả. Năm 2006, bà Hồng nộp đơn yêu cầu TAND TP Cao Lãnh giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà với vợ chồng ông Nhu. Tháng 12-2006, TAND TP Cao Lãnh ra quyết định buộc phía ông Nhu phải trả cho bà Hồng số tiền trên.

Tháng 1-2007, Chi cục THA TP Cao Lãnh ra quyết định THA. Đến tháng 4-2007, Chi cục THA ra tiếp quyết định cưỡng chế kê biên tài sản đối với một phần thửa đất ở phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh do vợ chồng ông Nhu đứng tên. Bà Hồng chờ mãi đến năm 2009 thì phát hiện vợ chồng ông Nhu đã chuyển nhượng phần đất trên cho người khác. Bà Hồng khiếu nại thì chấp hành viên hướng dẫn bà gửi đơn yêu cầu Công an TP Cao Lãnh xử lý hình sự đối với vợ chồng ông Nhu về hành vi tẩu tán tài sản. Sau hai năm thụ lý vụ án, tháng 1-2015, Công an TP Cao Lãnh ra quyết định không khởi tố vụ án.

“Tôi quay về Chi cục THA khiếu nại tiếp. Đến tháng 11-2015, cơ quan này mời tôi lên và đặt vấn đề sẽ thuyết phục chấp hành viên làm sai tự bỏ tiền ra để THA. Tuy nhiên, trên 130 triệu đồng tám năm trước là cả một gia tài, còn hiện nay làm sao mua được lại miếng đất nào nên tôi yêu cầu phải trả lãi suất nhưng cơ quan THA không chấp nhận. Họ hướng dẫn tôi nộp đơn khởi kiện vụ kiện tranh chấp dân sự đòi cơ quan THA bồi thường thiệt hại. Tháng 2-2016, TAND TP Cao Lãnh nhận đơn nhưng đến tháng 9-2016 thì tòa đình chỉ vì tôi không cung cấp được biên bản hòa giải giữa tôi và cơ quan THA. Trong vụ việc này lỗi là do chấp hành viên thì họ phải chịu trách nhiệm chứ tại sao bảo tôi đi hết nơi này nơi khác để đòi quyền lợi? Trong khi đó, cán bộ vi phạm chẳng chịu trách nhiệm gì” - bà Hồng bức xúc.

Bà Hồng bức xúc vì việc thi hành án hơn chín năm vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: N.HIỀN

Hướng dẫn lòng vòng

PV đã đến liên hệ với Chi cục THA dân sự TP Cao Lãnh để làm rõ thêm về trách nhiệm của cơ quan này nhưng một cán bộ nơi đây yêu cầu PV để lại thông tin để lãnh đạo sắp xếp lịch. Thời điểm khi nào thì chưa rõ.

Trao đổi với PV, bà Huỳnh Thị Đạm, Phó Viện trưởng VKSND TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, cho biết vụ việc của bà Hồng, VKS đã nắm được thông tin và khẳng định việc chậm THA là do cơ quan THA.

Theo bà Đạm, quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan Công an TP Cao Lãnh là không sai vì nguyên nhân dẫn đến việc ông Nhu chuyển nhượng tài sản là do lỗi của chấp hành viên. Sau đó VKS đã yêu cầu Chi cục THA hướng dẫn người dân nộp đơn khởi kiện hủy hợp đồng giao dịch chuyển nhượng tài sản giữa vợ chồng ông Nhu với người thứ ba. Nếu trong thời hạn 15 ngày mà người dân không thực hiện thì chấp hành viên phải thực hiện và hiện nay chấp hành viên đã gửi đơn tại tòa và yêu cầu tòa giải quyết. “Do cán bộ bên cơ quan THA không nắm rõ quy định nên hướng dẫn bà Hồng liên hệ không đúng, khiến bà Hồng phải mất nhiều thời gian. Lẽ ra khi phát hiện vợ chồng ông Nhu đã chuyển nhượng tài sản cho người thứ ba, THA phải hướng dẫn người dân kiện hủy hợp đồng giao dịch để xác định tài sản của người phải THA. Sắp tới VKS sẽ giám sát chặt chẽ giai đoạn tòa giải quyết vụ kiện hủy hợp đồng chuyển nhượng để đảm bảo việc thực thi đúng quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân” - bà Đạm khẳng định.

Vẫn chưa xử lý chấp hành viên vi phạm

PV hỏi: “Trong quyết định không khởi tố vụ án liên quan hành vi tẩu tán tài sản, cơ quan điều tra xác định lỗi một phần do chấp hành viên, vậy cụ thể chấp hành viên vi phạm lỗi gì và hình thức xử lý kỷ luật ra sao?”.

Bà Huỳnh Thị Đạm, Phó Viện trưởng VKSND TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, trả lời: Đây là hồ sơ nghiệp vụ của ngành nên không thể cung cấp cho PV được. Đối với hình thức kỷ luật chấp hành viên thì hiện VKSND TP Cao Lãnh chỉ mới nghe báo cáo trong kỳ họp tổng kết ngành, chưa thấy xử lý đối với chấp hành viên sai phạm. Việc xử lý như thế nào đối với chấp hành viên sai phạm là do cơ quan THA xem xét.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Phải kiểm sát việc xử lý chấp hành viên

Theo thông tin mà báo cung cấp, rõ ràng tài sản của người phải THA đã bị kê biên thì mọi giao dịch mua bán, tặng cho, thế chấp sau đó sẽ vô hiệu, không có giá trị. Nếu người phải THA vẫn bán tài sản trên thì khi phát hiện có việc giao dịch trên, cơ quan THA, cụ thể là chấp hành viên phải hướng dẫn người dân kiện ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng trên hoặc tự chấp hành viên phải yêu cầu tòa giải quyết.

Sau khi tòa có căn cứ hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa người phải THA và người thứ ba thì cơ quan THA tiếp tục thi hành cho người dân. Tòa sẽ tính thêm phần lãi suất chậm THA trong chín năm qua.

Nếu trong quá trình giải quyết, bà Hồng cho rằng quyền lợi của bà vẫn chưa được bảo đảm vì số tiền THA so với trước đây và bây giờ có chênh lệch về giá trị thì vẫn có quyền yêu cầu tòa giải quyết theo vụ kiện khác. Điều 618 Bộ luật Dân sự quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra. Theo đó, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Với vai trò là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tất cả giai đoạn tố tụng, VKSND TP Cao Lãnh cần chủ động kiểm sát và kiến nghị để quyền lợi của người được THA được đảm bảo tốt nhất. Đồng thời viện có trách nhiệm kiểm sát cả việc xem xét kỷ luật đối với chấp hành viên làm sai công vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm