Như Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh, tháng 9-2014, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, buộc bà Nguyễn Thị Thiện trả lại cho bảy thừa kế (trong đó có ông Nguyễn Bá Tòng), bốn thửa đất tổng diện tích hơn 4.900 m2. UBND huyện Bình Chánh phải hủy giấy chứng nhận đã cấp cho bà Thiện. Ông Tòng và các đồng thừa kế được liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy đỏ…
Năm 2015, THADS huyện giao đất cho ông Tòng và các thừa kế xong, tháng 4-2016 ông Tòng được cấp giấy chứng nhận. Nhưng bỗng dưng cuối năm 2016, THADS huyện cho rằng có thửa đất này đã bị hai người xây dựng công trình nhưng tòa không giải quyết trong bản án. Do đó, cơ quan này có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị tạm thời chưa đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với ba thửa đất liên quan đến phần đất đã cấp giấy chứng nhận cho ông Tòng.
Đồng thời, THADS huyện còn kiến nghị TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm. Nhưng sau đó cả tòa và viện đều khẳng định không có cơ sở để giám đốc thẩm bản án. Từ đó THADS huyện đã họp các cơ quan ban, ngành rồi chuyển qua xin ý kiến chỉ đạo của Cục THADS TP.HCM.
Mới đây, Cục THADS TP.HCM đã gửi công văn tới Pháp Luật TP.HCM dài 15 trang trao đổi về vụ việc. Tuy nhiên, công văn không nói rõ quan điểm giải quyết của Cục, nội dung chủ yếu nói về diễn biến quá trình tổ chức THA, phần trả lời câu hỏi của PV thì chỉ có một trang dựa trên cơ sở báo cáo của THADS huyện Bình Chánh.
Công văn nêu: “Toàn bộ tiến độ thi hành án đều đã được chấp hành viên (CHV) thông tin tới ông Tòng… Để tránh phát sinh thêm hậu quả không thể khắc phục được, chi cục chưa gỡ bỏ các văn bản ngăn chặn theo yêu cầu của ông Tòng. Ngay sau khi có hướng dẫn nghiệp vụ của Cục THADS TP.HCM thì Chi cục THADS huyện Bình Chánh sẽ trả lời cụ thể cho ông Tòng”.
Do Cục trả lời bằng văn bản nên PV không thể làm rõ nhiều thông tin khác mà Cục nêu ra. Chẳng hạn, năm 2017, Tổng cục THADS nêu: Quá trình tổ chức THA, CHV không xác minh cụ thể thực trạng thửa đất theo quy định tại Điều 44 Luật THADS dẫn đến việc không phát hiện được tài sản trên thực tế không đúng nội dung bản án tuyên mà đã giao đất cho người được THA, dẫn đến vụ việc phức tạp, khó giải quyết. Đồng thời Tổng cục yêu cầu THADS huyện khắc phục thiếu sót, sai phạm...
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên ĐH Luật TP.HCM), trong quá trình THA nếu CHV áp dụng không đúng thủ tục do luật THA quy định thì lỗi thuộc về cơ quan THA, trong đó có CHV.
TS Tiến phân tích, không vì lỗi của CHV mà cơ quan THA lại đề nghị cơ quan chức năng tạm thời chưa đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như trên. Nếu các đương sự có căn cứ cho rằng CHV có sai sót mà dẫn đến gây thiệt hại thì phải căn cứ vào luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để xử lý. Ngoài ra, cả TAND và VKSND Cấp cao đều khẳng định không có cơ sở để giám đốc thẩm nên việc ngăn chặn của chi cục chỉ nhằm khắc phục cái sai của THA chứ không phải nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của đương sự.