Ông An cho biết, hiện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn lạc hậu, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là chủ yếu. Hầu hết các mặt hàng chủ lực chưa có hoặc chưa được sản xuất theo quy hoạch; các quy hoạch được xây dựng còn chưa gắn với thị trường. Người nông dân thường bị ép giá khi vào vụ thu hoạch rộ hoặc giá nông sản ngoài thị trường bị đẩy lên cao bất hợp lý khi nguồn cung hạn chế do việc tranh mua giữa các thương lái.
Theo ông An, người tiêu dùng tại các khu vực đô thị hoàn toàn có thể chấp nhận mức chi phí cao để mua hàng nông sản thực phẩm an toàn. Tuy nhiên niềm tin của người tiêu dùng đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm của các doanh nghiệp thu mua nông sản lớn còn rất thấp nên việc tự tổ chức kênh bán lẻ nông sản của doanh nghiệp là rất khó. Cùng với đó, các quy định thủ tục để vay vốn từ nguồn hỗ trợ còn phức tạp, trong khi các cơ chế chính sách bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Chính điều này đã gây khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi; một số chính sách ưu đãi tín dụng cho phép cho vay không cần tài sản đảm bảo nhưng lại yêu cầu phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa hợp lý.
Vì vậy, ông An đề xuất các doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua trực tiếp với các hộ sản xuất lớn từ đầu vụ sản xuất. Đồng thời hỗ trợ cung cấp vật tư nông nghiệp, giống, đặt ra yêu cầu về số lượng, chất lượng nông sản, qua đó hình thành mối liên kết chặt chẽ và bền vững, bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho doanh nghiệp. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao thông qua các chính sách ưu đãi tín dụng, đầu tư theo chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các địa phương tổ chức lại hoạt động của các Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản để gắn kết người sản xuất, tập trung nguồn hàng và đồng đều hóa chất lượng. Đây là cơ sở quan trọng để tổ chức được hoạt động thu mua cung cấp hàng hóa cho các doanh nghiệp tiêu thụ trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đang ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún như ở Việt Nam hiện nay.