Tại buổi gặp gỡ báo chí đầu năm ngày 5-1, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết trong hai năm vừa qua ngành nông nghiệp đã xác định an toàn thực phẩm (ATTP) là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành. Đặc biệt ngành đã phát động năm 2016 là năm cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tập trung nguồn lực, phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết căn cơ một số vấn đề ATTP nổi cộm.
“Tuy nhiên, tỉ lệ vi phạm ATTP được phát hiện còn ở mức cao, chưa đáp ứng yêu cầu người dân. Các giải pháp trước mắt sẽ là tập trung nguồn lực thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ giao cho ngành nông nghiệp theo Luật ATTP và các quy định về ATTP” - ông Cường nói.
Việc sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản cần phải được ngăn chặn. Ảnh: TIÊN YÊN
Ông Cường cho biết cùng với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp, đào tạo nhân lực, phân cấp rõ ràng và ưu tiên bố trí nguồn lực cho các cấp, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường thông tin, truyền thông tạo niềm tin đối với nông sản Việt chất lượng, an toàn tại thị trường trong nước cùng với đẩy mạnh đàm phán tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ NN&PTNT phối hợp với các tỉnh, TP đã xây dựng hơn 400 điểm, chuỗi an toàn thực phẩm, từ sản xuất đến bàn ăn; chất cấm salbutamol trong chăn nuôi đã được đẩy lùi, trong số 1.000 mẫu được kiểm nghiệm, không phát hiện mẫu thịt lợn chứa chất salbutamol. Trong năm 2017, các đơn vị tiếp tục vào cuộc phối hợp với các đơn vị chức năng loại bỏ sản phẩm không an toàn với người sử dụng từ tồn dư kháng sinh trong thủy sản đến tồn dư chất cấm trong chăn nuôi.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT, cũng cho biết đã đề xuất Cục Thú y tạm ngưng cấp giấy phép cho các công ty nhập khẩu chất kháng sinh mới. Đồng thời yêu cầu làm rõ nhu cầu việc nhập kháng sinh cấm Enrofloxacin thực hiện vào mục đích gì, ngoài ra là giám sát đối với những công ty này.
Ông Dũng cũng cho rằng cần sớm đưa vào luật hình sự hành vi sử dụng kháng sinh tùy tiện, nhằm ngăn chặn kịp thời việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy hải sản, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Mức xử phạt hành chính hiện nay cao nhất chỉ 80-90 triệu đồng không đủ sức răn đe, ngăn chặn.
Năm 2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã thanh tra 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh. Đây là những công ty nhập khẩu lớn với tổng lượng nguyên liệu kháng sinh phân phối, lưu thông chiếm 70% nguyên liệu kháng sinh được nhập khẩu. Mới đây, Thanh tra Bộ cũng nhận được thông tin từ một công ty thu mua nguyên liệu tôm tại Cà Mau cho biết khi công ty này kiểm tra tôm thì phát hiện có đến 10%-15% tôm nguyên liệu còn dư lượng kháng sinh. Đến nay, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện năm công ty có hành vi bán sai đối tượng và với 16% lượng nguyên liệu kháng sinh được các công ty nhập khẩu bán sai đối tượng, sử dụng sai mục đích hoặc đưa vào hỗn hợp thức ăn bổ sung cho vật nuôi nhưng không ghi thành phần kháng sinh trên bao bì. |