Ngày 1-12, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa 8 đã cực nóng với phần chất vấn giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Các đại biểu (ĐB) đã nêu nhiều câu hỏi xoay quanh vấn nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc nổ mìn khai thác đá của doanh nghiệp khiến nhà dân lún nứt và việc xả thải trái phép của doanh nghiệp Đồng Nai khiến nguồn nước sông Giêng ở Bình Thuận đổi màu đỏ quạch...
Nổ mìn phá đá, phá nhà dân
ĐB Nguyễn Hữu Trí, nguyên Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Thuận, cho biết chỉ trong hai ngày 16 và 19-10, Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Hồng Sơn đã dùng đến 2,5 tấn thuốc nổ để khai thác đá. Sức công phá của hai lần đánh thuốc nổ này tương đương một quả bom loại lớn khiến hàng chục nhà dân bị nứt. Việc khai thác đá bằng mìn đã không được công ty này thông báo cho dân trước để đề phòng.
“Còi báo động vừa kéo 5 phút là mìn nổ ngay thì ai trở tay cho kịp” - ông Trí bức xúc cho biết và yêu cầu giám đốc Sở TN&MT buộc công ty này phải có phương án sản xuất và ít nhất phải thông báo cho dân trước một tuần để phòng tránh. Trả lời, ông Huỳnh Giác, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết việc nổ mìn trên là do chủ quan của đơn vị khai thác vì khi cấp phép đầu tư đều có quy trình và thông qua phương án sản xuất. “Việc nổ mìn với sức công phá nêu trên là có thật và Sở đang làm thủ tục để xử phạt đơn vị này” - ông Thành nói.
Sông Giêng bị ô nhiễm đến mức cá tôm chết trắng sông. Ảnh: PN
Bó tay vì nguồn ô nhiễm ngoại tỉnh
Có đến năm ĐB chất vấn giám đốc Sở TN&MT về việc hai nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm và bột mì Phan Thành Tâm ở Xuân Lộc (Đồng Nai) lén xả thải “bức tử” sông Giêng ở Hàm Tân. ĐB Bùi Văn Mạnh, Chủ tịch UBND thị xã La Gi, bức xúc: “Hiện nay ở sông Giêng không những cá chết mà nguồn nước cũng đổi màu đỏ quạch, tanh tưởi. Đây lại là nguồn nước duy nhất đưa về Nhà máy nước La Gi để cung cấp nước uống cho hơn 100.000 người dân thị xã. Nhiều lúc nhà máy nước phải báo cáo ngưng sản xuất vì nước quá tanh…”.
Trả lời, Giám đốc Sở TN&MT Huỳnh Giác cho biết: “Tỉnh không chủ động trong xử lý được vì thẩm quyền xử lý thuộc về Đồng Nai (hai nhà máy lén lút xả thải phía thượng nguồn trên đất Đồng Nai còn Bình Thuận phải gánh chịu vì ở hạ lưu). Sắp tới, hai tỉnh sẽ đánh giá thiệt hại để yêu cầu bồi thường. Ngày 15-12, lãnh đạo hai tỉnh sẽ có cuộc họp bàn cùng với sự tham dự của Tổng cục Môi trường và Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an.
Chưa hài lòng, ĐB Mạnh truy tiếp: “Nếu Đồng Nai không phối hợp, tại sao tỉnh không báo cáo ngay cho Chính phủ?”. Thừa nhận đã thiếu kiên quyết trong xử lý nhưng ông Huỳnh Tấn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng nếu muốn xử lý thì cần phải có chứng cứ, cơ sở khoa học. “Nếu tới đây, Đồng Nai không phối hợp thì tỉnh sẽ báo vụ việc lên Thủ tướng” - ông Thành cam kết.
Kết luận vụ việc, ông Huỳnh Văn Tí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng trách nhiệm đối với dân trong vụ này là chưa đầy đủ, chưa nghiêm túc, để kéo dài và UBND tỉnh phải kiên quyết hơn. “Các ĐB cần xuống dân nhiều hơn để lắng nghe tâm tư của người dân, nếu người dân bị thiệt hại thì phải được bồi thường sòng phẳng” - ông Huỳnh Văn Tí nói.
Chủ tịch UBND tỉnh tự nguyện xin thôi chức Sau phần trả lời chất vấn, ông Huỳnh Tấn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết đã tự nguyện làm đơn xin thôi giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Theo ông Thành, còn bảy tháng nữa là tròn 10 năm ông giữ cương vị chủ tịch UBND tỉnh. Trong 10 năm có những việc làm được, có những việc chưa làm được hoặc làm dở, làm sai và nhận được cả lời khen, tiếng chê lẫn trách móc. “Có lúc cảm thấy êm đềm, có lúc sóng gió; có người đồng tình và có cả người không đồng tình. Tôi xin cảm ơn mọi người trong và ngoài tỉnh đã giúp tôi cơ bản hoàn thành chức trách chủ tịch UBND tỉnh trong thời gian qua và xem đây là bài học sâu sắc” - ông Thành tâm sự. |
PHƯƠNG NAM