Chật vật giữ hồn lãnh Mỹ A

Trước đây, rất nhiều nhà thiết kế từng chọn lãnh Mỹ A của làng lụa Tân Châu (An Giang) làm nguyên liệu cho những bộ sưu tập của mình. Từ đó, lãnh Mỹ A cũng đã lên sàn thời trang… Nhưng đến nay, cả làng lụa Tân Châu chỉ còn một gia đình làm lãnh Mỹ A và hơn cả, trái mặc nưa - nguyên liệu duy nhất làm nên linh hồn lãnh Mỹ A ngày càng hiếm hoi.

Mất nguồn trái mặc nưa từ Campuchia

Gặp gia đình ông Nguyễn Văn Long (cơ sở lụa Tám Lăng), gia đình duy nhất còn làm lãnh Mỹ A tại Tân Châu với đời thứ tư kế nghiệp mới biết rằng dù đã vào mùa mặc nưa nhưng vẫn không gom đủ mặc nưa để nhuộm cho được 10 m lãnh. “Ba, bốn năm nay cây mặc nưa bị chặt bỏ dần, từ đầu năm đến giờ chỉ gom được vài chục ký mặc nưa, chưa đủ để nhuộm được cây hàng nào” - anh Nguyễn Hữu Trí, con trai kế tục ông Nguyễn Văn Long, chia sẻ.

Ngày xưa, nguồn mặc nưa của làng lụa Tân Châu ngoài ở ngay An Giang, các vùng núi lân cận thì nguồn chính là thu mua từ Campuchia. “Từ thời ngoài 20 tuổi tôi đã lái xe đi thu mua mặc nưa ở Campuchia. Hồi năm 1950-1960 là thời đỉnh cao của làng lụa Tân Châu với lãnh Mỹ A, nhà nào cũng dệt lãnh Mỹ A, mua từng xe tải mặc nưa về làm. Sau rồi nguồn mặc nưa đứt dần. Mặc nưa xưa mọc trong rừng nên chỉ đi gom về, còn trồng thì không ai trồng bởi phải ba tới năm năm mới ra trái, bán lại rẻ, như giá hiện thời là khoảng 7.000 đồng/kg mặc nưa. Chưa kể trái mặc nưa muốn được nhiều mủ thì phải trồng ở đất phù sa nhiều, càng nhiều mủ thì nhuộm càng lợi hơn. Gia đình tôi còn giữ làm cầm chừng trong suốt thời gian qua là vì chúng tôi có một mối mua vải lãnh Mỹ A ở Pháp. Làm cho đủ đơn hàng của bà Pháp này cũng đã khó rồi” - ông Nguyễn Văn Long, chủ của cơ sở Tám Lăng nay đã 90 tuổi, chia sẻ.

Công đoạn lọc trái mặc nưa sau khi xay để lấy nước nhuộm lãnh Mỹ A. Ảnh: QUỲNH TRANG

Anh Nguyễn Hữu Trí (phải) và anh Đặng Văn Nhanh đang trở vải cho vải khô kịp nắng để nhuộm tiếp. Mỗi buổi vải được nhuộm 3-4 lần, vải hoàn thành sau khi nhuộm 80-100 lần. Ảnh: QUỲNH TRANG

Sợi nylon xâm lấn tơ tằm

Bên cạnh việc nguồn hàng hiếm thì trái mặc nưa hái xuống cũng phải xay nhuộm ngay chứ không thể trữ cho các mùa sau vì trữ kiểu gì cũng sẽ mất mủ tự nhiên. “Gia đình tôi từng tiếp đoàn kỹ sư Nhật Bản sang để tìm cách giữ trái mặc nưa ngược mùa nhưng họ nghiên cứu cũng không ra được. Bên cạnh việc nghiên cứu trữ mặc nưa, họ cũng nghiên cứu để khi nhuộm vải có thể làm nóng bằng nhiệt nhân tạo chứ không phải cực khổ ra đồng phơi, trở vải chờ nắng trời. Nhưng cuối cùng nhiệt nhân tạo sấy thì vải không ăn màu để ra được đen huyền như nhuộm mặc nưa phơi tự nhiên dưới cỏ. Cứ 500 m vải lãnh Mỹ A (khổ 90 cm) thì người thợ phải mất trung bình bốn tháng nếu thời tiết thuận lợi. Trong đó hai tháng nhuộm và hai tháng dệt. Nếu trời mưa dầm thì phần nhuộm có khi kéo dài cả ba, bốn tháng” - ông Nguyễn Văn Long nói thêm.

Ngoài nguồn mặc nưa khó khăn, một điều lớn hơn làm làng lụa Tân Châu dần bỏ làm lãnh Mỹ A bởi làn sóng nylon xâm lấn. Dệt vải nylon bằng máy tiện dụng hơn, ngay cả nhuộm màu công nghiệp cũng dễ hơn chứ không kỳ công như lãnh Mỹ A nên cả làng bỏ. “Hơn nữa, khi bán được thì nhiều xưởng dệt lại làm dối. Buôn bán làm dối thì mất tiếng, bán không được. Như tôi làm cây hàng lãnh Mỹ A (20 m khổ 90 cm) nhuộm phải 80-100 kg trái mặc nưa, từ tấm lụa thành tấm lãnh Mỹ A người thợ phải nhuộm mặc nưa khoảng 100 lần. Nhưng nhiều xưởng khác nhuộm lượng mặc nưa và lần nhuộm ít hơn nên vải đổ lông, nhăn, màu đen ban đầu cũng đen nhưng không phải bóng láng lâu dài. Nguyên tắc lãnh Mỹ A là càng mặc càng bóng, không nhăn, mùa đông ấm, mùa hè mát” - ông Nguyễn Văn Long kể.

Mong ước khôi phục lãnh Mỹ A với dòng hoa văn

Ông Nguyễn Văn Long có chín người con nhưng rồi chỉ có anh út là anh Nguyễn Hữu Trí theo nghề, “duyên nợ với nghề lụa không bỏ được bởi ba rồi ông tôi đã từng làm và vẫn đang làm” - anh Nguyễn Hữu Trí nói.

Từ năm 2003, anh Trí đã bổ sung được sáu màu lụa từ nguyên liệu thiên nhiên gồm màu kem, xám ghi, vàng đồng, vàng chanh, đỏ, hồng… từ các loại cây như lá cẩm, tô phượng, huyết rồng... Để ra được sáu màu này là cả một hành trình gần 10 năm thử màu, lăn lộn các làng nhuộm  nhiều nơi để học hỏi. Và anh Trí cũng là người làm nên chất liệu đũi nhuộm đen bằng mặc nưa. Nhưng rồi vẫn không sống được với nghề lụa, sau 10 năm bỏ nghề thì khoảng ba năm trở lại đây, anh Trí trở lại nghề. “Tôi ước mong một, hai năm sắp tới sẽ có thêm nhiều màu khác cũng như khôi phục được lãnh Mỹ A với dòng có hoa văn truyền thống trong cách dệt như bông dâu, mặt đệm, bông Thượng Hải… Bởi hiện mình chỉ mới khôi phục lãnh Mỹ A trơn. Tôi đã mua máy sắt của Nhật để chỉnh sửa lại làm cho ra hoa văn truyền thống của mình” - anh Nguyễn Hữu Trí khẳng định.

Lãnh Mỹ A đến với Hoa hậu Trái đất 2017

Tình cờ biết đến câu chuyện về lãnh Mỹ A và gia đình bác Tám Lăng (Nguyễn Văn Long) qua một phóng sự trên truyền hình cách đây không lâu, nhà thiết kế Hằng Nguyễn của AMI Fashion đã nhen nhóm ý tưởng thực hiện một chương trình diễn thời trang nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và cũng là bảo tồn, phát triển và quảng bá loại tơ lụa trứ danh vùng Tân Châu (An Giang) qua những trang phục gần gũi, hợp thời trang.

Chương trình The Dreamers (Những kẻ mộng mơ đi dệt huyền thoại) dự kiến diễn ra vào tháng 9 sắp tới tại TP.HCM của bốn nhà thiết kế: Hằng Nguyễn, Huỳnh Tiên, Nguyễn Minh Công và Juun Đăng Dũng. 75 bộ trang phục sẽ được thiết kế ở ba mảng: Trang phục truyền thống, trang phục ứng dụng và trang phục dạ hội. Trong đó, bộ trang phục mở màn sẽ được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trưng bày. Bên cạnh đó, một trong số những bộ trang phục truyền thống sẽ là hành trang của đại diện Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2017. Những trang phục còn lại sẽ được bán đấu giá, quyên vào quỹ từ thiện AMI Smile Foundation nhằm giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại nhiều tỉnh, thành, trong đó đợt từ thiện đầu tiên sẽ thực hiện ngay tại Tân Châu, An Giang - vùng đất đã làm nên lãnh Mỹ A.

Lãnh Mỹ A chỉ duy nhất đen huyền

Ba điểm làm nên lãnh Mỹ A truyền thống chính là: Phải là tơ tằm 100%; phải được nhuộm từ trái mặc nưa và lụa tơ tằm phải được dệt bằng phương pháp dệt satin 8 trên khung gỗ (là phương pháp dệt khó nhất trong các phương pháp dệt tơ tằm, một người thợ chỉ đứng dệt được một khuôn dệt, trong khi dệt công nghiệp satin 5 thì một người thợ có thể đứng năm, sáu khuôn dệt). Tất cả loại vải màu tôi làm dù từ nguyên liệu thiên nhiên đi nữa chỉ có thể gọi là lãnh màu Tám Lăng. Lãnh Mỹ A chỉ duy nhất màu đen huyền.

Anh NGUYỄN HỮU TRÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm