Thời trang Việt ra thế giới: đường còn xa

Mẫu thiết kế của Võ Việt Chung.
Mẫu thiết kế của Võ Việt Chung.

Vừa trở về từ Những ngày giới thiệu văn hóa Việt trên đất Nhật diễn ra vào đầu tháng 5 tại Osaka, nhà thiết kế Thuận Việt tỏ ra hồ hởi: “Người Nhật rất hứng thú với áo dài VN.

Với tôi, một vài nhà đầu tư Nhật cũng đặt vấn đề hợp tác để đưa áo dài Việt sang thị trường Nhật Bản trong thời gian tới. Dù các hợp đồng còn ở giai đoạn thương thảo về giá cả và vài yếu tố khác nhưng điều này cho thấy thời trang VN đang dần được chú ý ở nơi đây”.

Tận dụng cơ hội giao lưu để tiếp cận

Những ngày này, nhà thiết kế Võ Việt Chung đang tất bật thực hiện bộ sưu tập 80 chiếc áo dài dành cho 80 thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2008 diễn ra vào tháng 6 tới tại Nha Trang.

Theo nhà thiết kế Võ Việt Chung, 80 chiếc áo dài này sẽ được thiết kế cách điệu dựa trên sườn chiếc áo dài truyền thống VN. “Tiêu chí thiết kế của tôi là tạo nên sự hòa hợp Đông - Tây để các thí sinh dù đến từ các nước phương Tây vẫn cảm nhận được sự phóng khoáng hiện đại nhưng cũng đầy nét duyên dáng trên từng chiếc áo dài”.

Việc những người đẹp nhất đến từ khắp nơi trên thế giới xuất hiện trong trang phục áo dài Việt (sẽ được phát sóng trên các kênh truyền hình nhiều quốc gia trên thế giới) không chỉ giới thiệu với khán giả thế giới một nét văn hóa thời trang đặc sắc của VN mà còn giúp tên tuổi nhà thiết kế tiến xa hơn trên thị trường thời trang thế giới.

Với nhiệm vụ quảng bá văn hóa thời trang Việt, tại đất nước hoa anh đào, những bộ thiết kế áo dài của Thuận Việt, gồm Hồn Việt (được trang trí bởi hoa văn vũ khúc của hạc), Hoa trên phố (nhấn mạnh họa tiết mai, đào), Rực rỡ phương Đông như một món quà giao lưu đầy ý nghĩa.

Áo dài Hoa trên phố của Thuận Việt ra mắt khán giả tại Nhật.
Áo dài Hoa trên phố của Thuận Việt ra mắt khán giả tại Nhật.

Trong đó, Rực rỡ phương Đông, giới thiệu với khán giả Nhật một bộ sưu tập áo dài khác lạ, mới mẻ và hiện đại. Chính vì vậy, những chiếc áo dài này đều được cách điệu như một chiếc áo dạ hội lịch lãm, hiện đại. Hy vọng trong thời gian tới, thị trường Nhật Bản sẽ tiếp tục xuất hiện hàng loạt những mẫu áo dài cách tân này.

Không có nhiều cơ hội tham gia các chương trình giao lưu văn hóa lớn thế giới như các nhà thiết kế tên tuổi nhưng các nhà thiết kế trẻ như: Anh Vũ, Công Khanh, Vũ Thu Giang, Lê Lên,... cũng nỗ lực không kém bằng cách tham gia các hội chợ thời trang quốc tế.

Thừa tài năng, thiếu công nghệ

Thật ra, việc giới thiệu thời trang VN - cụ thể là chiếc áo dài VN - với khán giả thế giới, đã được thực hiện từ nhiều năm nay thông qua chương trình Những ngày văn hóa Việt ở nhiều nước trên thế giới, các festival văn hóa, các hội chợ thời trang quốc tế và những tuần lễ thời trang diễn ra ở một số quốc gia có nền công nghiệp thời trang phát triển mà VN là khách mời.

Trong đó, ngoài áo dài VN mang bản sắc văn hóa Việt, các nhà thiết kế đã nỗ lực giới thiệu những mẫu thời trang hiện đại đúng với xu hướng thiết kế chung trên thế giới. Những tên tuổi nhà thiết kế như Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Võ Việt Chung, Thuận Việt, Lê Minh Khoa, Công Trí... đã bắt đầu làm quen với làng thời trang thế giới.

Đó chính là lý do mà các kênh truyền hình thời trang nổi tiếng thế giới thực hiện nhiều chuyên đề về thời trang VN, chủ yếu là áo dài VN, để giới thiệu với hàng triệu khán giả truyền hình trên thế giới.

Dù thời trang VN đã phần nào tiếp cận với thị trường quốc tế nhưng tất cả còn dừng lại ở mức giao dịch manh mún, nhỏ lẻ như lời thừa nhận của giới thiết kế chuyên nghiệp. Sức sáng tạo của các nhà thiết kế thời trang VN đủ chinh phục khách hàng thế giới bằng bản sắc văn hóa riêng nhưng để thời trang VN thật sự tiếp cận đúng nghĩa với thị trường thế giới, chúng ta phải cần đến 5 - 10 năm nữa.

Có nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan, cản bước vươn ra khỏi ranh giới quốc gia của thời trang Việt. Trong đó, yếu tố cốt lõi là VN chưa có được một công nghệ sản xuất dây chuyền, khép kín. Việc nhà thiết kế VN phải nhập chất liệu, nguyên vật liệu từ nước ngoài là hiện trạng chung hiện nay. Đó là chưa kể quy mô hoạt động của hầu hết các nhà thiết kế tự do hiện nay còn rất thủ công.

Nhà thiết kế Lê Minh Khoa nói: “Qua những lần tham dự các tuần lễ thời trang quốc tế ở một số nước, hầu hết các mẫu thiết kế của tôi đều nhận được những lời khen ngợi về kiểu dáng. Tôi cũng nhận được những lời mời hợp tác của một số nhà đầu tư. Dù biết mình đang đứng trước một cơ hội lớn nhưng tôi đành từ chối vì việc thực hiện được những hợp đồng sản xuất hàng loạt theo yêu cầu của đối tác lại nằm ngoài khả năng của tôi.

Muốn làm được điều ấy, tôi cần có những xưởng sản xuất lớn. Còn nếu nhờ nơi khác gia công thì không biết sẽ có điều gì xảy ra vì tôi không thể quán xuyến mọi chuyện”.

Nỗi lo này không chỉ của riêng Lê Minh Khoa. Qua những lần ra mắt khán giả nước ngoài, nhà thiết kế Võ Việt Chung nhận được khá nhiều đề nghị hợp đồng cung cấp chất liệu vải lãnh Mỹ A và cả những mẫu thiết kế chiếc áo dài VN cách điệu của anh nhưng anh không nhận lời vì không thể cung cấp một số lượng hàng lớn trong thời hạn ngắn.

Tự thân vận động

Thiếu một chiến lược kinh doanh bài bản, để quảng bá và làm cầu nối cho thời trang VN bước vào thị trường thế giới, đang là nỗi ưu tư của nhiều nhà thiết kế trẻ. Họ đủ sức làm nên tiếng vang cho thời trang VN, trên các sàn diễn của các tuần lễ thời trang ở nước ngoài.

Mẫu thiết kế áo dài VN của Thuận Việt biểu diễn tại Nhật. Ảnh: T.V
Mẫu thiết kế áo dài VN của Thuận Việt biểu diễn tại Nhật. Ảnh: T.V

Thế nhưng, họ chỉ đủ sức làm nghệ thuật mà chưa có khả năng đàm phán kinh doanh. Họ không thể chủ động tìm kênh phân phối sản phẩm của mình ở các thị trường nước ngoài. Bởi hầu hết các nhà thiết kế trẻ hiện nay đang phải tự thân vận động. Chưa kể, chiến lược kinh doanh là một điều không hề đơn giản và nằm ngoài tầm tay của đa phần các nhà thiết kế thời trang VN.

THÙY TRANG - (Theo NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm