Năm 2022, châu Âu phải chịu đựng cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, với những hóa đơn cao ngất ngưởng trong mùa hè và nguy cơ thiếu nguồn cung trong mùa đông, khi Nga cắt phần lớn khí đốt sang châu lục này.
Hiện tại, an ninh năng lượng ở các nước Liên minh châu Âu (EU) khá ổn định, theo hãng tin Reuters. Giá cả ở mức thấp hơn nhiều so với những con số kỷ lục ghi nhận trong mùa hè năm ngoái. Nhờ trải qua một mùa đông không mấy khắc nghiệt năm ngoái, các kho dự trữ khí đốt không hao hụt quá nhiều. Nhìn chung, áp lực về năng lượng đối với “lục địa già” ở thời điểm này không cao.
|
Trạm trung chuyển khí đốt Werne ở bang Rhine-Westphalia (Đức). Ảnh: AFP |
Châu Âu nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng
Song nhằm tránh lặp lại tình thế khó khăn và nguy cơ rơi vào khủng hoảng năng lượng như năm ngoái, hiện các nước EU đã bắt tay ráo riết hành động.
Tháng 3, các nhà hoạch định chính sách EU đưa ra một “sáng kiến đột phá” các thành viên cùng mua khí đốt chung. Trong đợt mua chung đầu tiên, EU đã tìm được 25 nhà cung cấp khí đốt, với khối lượng cung cấp dự kiến là 13,4 tỉ m3 (vượt qua dự kiến ban đầu của khối là 11,6 tỉ m3). Theo Reuters, đây là bước đi đáng chú ý, có khả năng xây dựng sức mạnh về năng lượng cho EU một cách đồng đều và bền vững.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cũng đồng ý rằng mua khí đốt chung không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro về an ninh năng lượng của từng nước thành viên mà còn tạo lợi ích chung cho toàn liên minh. Với việc mua chung, khối sẽ tạo được nền tảng đàm phán với các nhà cung cấp năng lượng, tạo lực đẩy trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa khối với các nước xuất khẩu khí đốt, tìm được nguồn cung ổn định, đáng tin cậy. Quyết định này cũng sẽ giúp EU phát tín hiệu về sự đoàn kết và quyết tâm của khối trong đảm bảo an ninh năng lượng.
EU hiện đang đẩy mạnh đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo. Theo tờ Financial Times, thời gian qua EU đã khuyến khích các thành viên tăng cường đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, mặt trời, thủy điện. Mới đây, Đức cam kết chi hàng trăm triệu euro xây dựng trạm năng lượng mặt trời tại bang Schleswig-Holstein. Dự án này dự kiến sẽ cung cấp năng lượng cho khoảng 1 triệu xe điện hoạt động trong năm 2030.
EU cũng đang nỗ lực xây dựng thêm nhiều cảng tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG). Tháng 4, Đức cho biết ngoài việc tiếp tục mở rộng cảng LNG ở TP Lubmin (bang Mecklenburg-Vorpommern) nước này dự kiến xây thêm một cảng LNG ngoài khơi đảo Rugen để tăng khả năng tiếp nhận và lưu trữ LNG từ bên ngoài vào các nước châu Âu, theo hãng tin Bloomberg.
Ngoài ra, EU còn đẩy mạnh phát triển các hệ thống lưu trữ năng lượng để khối này có thể tận dụng tối đa các nguồn lực khi cần, như mở rộng phát triển các hệ thống pin tích trữ năng lượng, trong đó có pin quang điện hóa (pin có khả năng tích trữ năng lượng điện mặt trời) và pin nhiên liệu (pin có khả năng tích trữ nhiên liệu hóa học thành năng lượng điện).
EU cần ghi nhớ những kinh nghiệm đã thu được trong năm 2022 và cần hành động quyết liệt hơn để đảm bảo an ninh năng lượng của mình ổn định hơn.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic
Năm nay vẫn nhiều thách thức
Trả lời phỏng vấn đài CNBC tuần trước, Giám đốc Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nhận định EU đã làm rất tốt trong mùa đông năm ngoái, tuy nhiên năm nay thách thức đối với thị trường năng lượng của khối vẫn rất đáng kể.
Thời gian tới, nhiều khả năng EU và Trung Quốc sẽ thành “đối thủ” của nhau trong cạnh tranh nguồn cung năng lượng. Năm ngoái, nguồn cung năng lượng trên thế giới có vẻ dư thừa do Trung Quốc duy trì các biện pháp phòng dịch và nhập ít dầu khí. Năm nay sẽ khác khi Trung Quốc đã mở cửa từ cuối năm ngoái để khôi phục kinh tế. Thời gian tới nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh nhập khẩu năng lượng để tái vận hành ngành công nghiệp sản xuất của mình. Ông Birol cảnh báo “nếu EU mất nguồn cung vào tay Trung Quốc, nhiều khả năng lục địa già sẽ phải đối mặt với một mùa đông lạnh giá do thiếu năng lượng dự trữ”.
Việc chưa hoàn toàn loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga cũng là một thách thức với EU. Báo cáo tháng 1 của Công ty năng lượng Gazprom (Nga) cho biết dù Nga giảm 55% lượng khí đốt chuyển sang EU trong năm 2022, song Moscow và nhiều nước EU vẫn duy trì các giao dịch về năng lượng. Ông Birol cảnh báo nếu lượng khí đốt từ Nga sang EU tiếp tục bị cắt giảm trong năm nay vì “lý do chính trị” thì nhiều khả năng khối sẽ đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng hơn trong mùa đông. Lý do, dù đang rất nỗ lực nhưng EU hiện vẫn chưa đảm bảo được nguồn cung năng lượng ổn định từ thị trường thế giới.•
Châu Á “khát năng lượng” Nga giữa nắng nóng kỷ lục
Đợt nắng nóng gần đây tại châu Á khiến nhu cầu dùng điện của người dân tăng cao, đặc biệt trong việc dùng các thiết bị làm mát. Nhiều nước trong khu vực ra sức tìm kiếm các nguồn nhiên liệu như than đá, khí đốt và dầu khí để sản xuất điện, giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong nước, theo hãng tin Bloomberg.
Nguồn cung các loại nhiên liệu trên tại thị trường châu Á không nhiều, chưa kể giá khá cao do cước vận chuyển lớn. Trong bối cảnh đó, nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga được các nước nhắm tới.
Theo Bloomberg, tỉ trọng xuất khẩu than nhiệt và khí đốt tự nhiên (hai loại nhiên liệu thường được dùng để sản xuất điện) của Nga sang châu Á đã tăng rõ rệt trong thời gian qua.
Trong tháng 4, khối lượng than Nga xuất sang các nước châu Á tăng lên 7,46 triệu tấn (cao hơn khoảng 33% so với cùng kỳ năm ngoái). Các lô hàng khí đốt của Nga sang châu Á cũng tăng mạnh trong những tháng gần đây.