Sáng 6-7 (giờ địa phương), sau khi có kết quả trưng cầu ý dân Hy Lạp với đa số cử tri không đồng ý thỏa thuận của các chủ nợ quốc tế, một thông tin không lường trước xuất phát từ Hy Lạp. Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis thông báo từ chức.
Ông viết trên blog cá nhân ông được thông báo một số nước thành viên khu vực đồng tiền chung euro phát biểu ông không được chào đón tại hội nghị các bộ trưởng Tài chính sắp tới.
Do đó, ông quyết định nếu không có ông, thủ tướng Hy Lạp sẽ đàm phán với các chủ nợ quốc tế thuận lợi hơn.
Trước đó, Bộ Nội vụ Hy Lạp đã thông báo kết quả trưng cầu ý dân tổ chức hôm 5-7.
Trả lời câu hỏi có đồng ý cắt giảm chi tiêu để nhận tiền vay của các chủ nợ quốc tế hay không, 61,31% cử tri đi bầu đã chọn “oxi” (không đồng ý).
Ngay sau đó, Chủ tịch đảng Dân chủ mới (đảng đối lập chính) Antonis Samaras đã thông báo từ chức. Đảng này đã hô hào cử tri đồng ý với thỏa thuận của các chủ nợ quốc tế.
Tối 6-7, hàng ngàn người ăn mừng kết quả trưng cầu ý dân tại quảng trường Syntagma trước trụ sở Quốc hội ở Athens (Hy Lạp). Ảnh: AFP
Giữa chính phủ Hy Lạp và châu Âu có phản ứng khác nhau về kết quả trưng cầu ý dân Hy Lạp.
Người phát ngôn chính phủ Hy Lạp tuyên bố sau kết quả trưng cầu ý dân, Hy Lạp sẽ có nhiều sáng kiến để thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế.
Trong khi đó, Chủ tịch nhóm các bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro Jeroen Dijsselbloem lại than phiền: “Đây là kết quả rất đáng tiếc cho tương lai Hy Lạp… Để kinh tế Hy Lạp phục hồi, các biện pháp khó khăn và cải cách là không thể tránh khỏi”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Martin Schulz kêu gọi “chính phủ Hy Lạp phải đưa ra đề nghị có hiệu quả và xây dựng trong những giờ tới”, nếu không “chúng ta sẽ bước vào giai đoạn rất khó khăn và bi kịch”.
Trong nội bộ châu Âu cũng có nhiều phản ứng khác nhau. Pháp và Ý muốn tiếp tục đàm phán với Hy Lạp qua tuyên bố của Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy triệu tập các bộ trưởng kinh tế và tài chính để phân tích kết quả trưng cầu ý dân Hy Lạp.
Phản ứng dữ dội nhất xuất phát từ Đức.
Tại Đức, trả lời báo Tagesspiegel, Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel nhận định Hy Lạp đã cắt đầu cầu cuối cùng giữa Hy Lạp với châu Âu và sắp tới rất khó đàm phán với Hy Lạp.
Tối 6-7, trên quảng trường Syntagma ở thủ đô Athens (Hy Lạp), hàng ngàn người ủng hộ kết quả trưng cầu ý dân đã tập trung ca hát, nhảy múa, vẫy cờ và hô: “Oxi”, “oxi”.
Không khí phấn khởi ấy không che giấu tương lai bất định của Hy Lạp. Hy Lạp không còn tiền. Các ngân hàng đã đóng cửa một tuần nay để hãm đà rút tiền ồ ạt của dân.
Sáng 6-7: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã điện đàm tham vấn với Chủ tịch nhóm các bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro Jeroen Dijsselbloem, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi. Trong ngày: Nhóm chuyên gia làm việc cho các bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro họp tại Brussels (Bỉ) chuẩn bị cho hội nghị 19 bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro ngày 7-7. Ngân hàng Trung ương châu Âu họp hội nghị các thống đốc vì Ngân hàng Trung ương Hy Lạp xin vay tiền từ quỹ khẩn cấp. Tối 6-7: Thủ tướng Đức Angela Merkel sang Pháp gặp Tổng thống François Hollande ăn tối và đánh giá hậu quả trưng cầu ý dân Hy Lạp. 18giờ ngày 7-7: Các nhà lãnh đạo 19 nước khu vực đồng tiền chung euro họp tại Brussels để thảo luận kết quả trưng cầu ý dân ở Hy Lạp. 61,31% cử tri đi bầu không đồng ý thỏa thuận của các chủ nợ quốc tế (Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế) và 38,69% đồng ý. Tỉ lệ cử tri đi bầu là 62,5%. ______________________________________ Hôm nay chúng ta đã viết một trang mới trong lịch sử Hy Lạp. Thủ tướng Hy Lạp ALEXIS TSIPRAS |