Lại thêm một thảm kịch nhập cư mới xảy ra trên Địa Trung Hải. Ngày 20-4, Tổ chức Di dân quốc tế ở Rome (Ý) cho biết có người gọi điện thoại van nài đến giúp ba tàu. Người gọi điện thoại cho biết tàu của ông chở hơn 300 người đang chìm.
Mới đêm 18-4, một tàu đánh cá chở 700 người đã chìm trên đường sang Ý. Đài truyền hình Francetv (Pháp) ghi nhận bi kịch đắm tàu trên Địa Trung Hải đã làm dấy lên dư luận sôi sục ở châu Âu.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo châu Âu sẽ tổ chức khẩn cấp hội nghị thượng đỉnh về chủ đề nhập cư trái phép.
Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini cho biết chủ đề nhập cư trái phép đã được bổ sung giờ chót vào chương trình nghị sự của hội nghị các ngoại trưởng EU hằng tuần ở Luxembourg hôm 20-4.
Ủy ban châu Âu tuyên bố: “Nhiều mạng sống con người đang bị đe dọa”. Ủy ban châu Âu cho rằng trong khi chờ EU thông qua chiến lược mới về nhập cư vào giữa tháng 5 thì EU cần có các biện pháp đối phó tức thì.
Tàu chở người nhập cư thường là tàu nhỏ cũ kỹ. Ảnh: CẢNH SÁT BIỂN Ý
Tại Ý, Thủ tướng Matteo Renzi đã họp khẩn cấp với các bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ. Sau đó ông tuyên bố với báo giới kiểm soát trên biển chưa đủ mà phải loại trừ bọn buôn người vốn là bọn buôn nô lệ mới.
Ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề tận gốc thì sẽ không bao giờ giải quyết được”.
Ông tuyên bố một mình nước Ý không thể đối phó với nạn nhập cư trái phép và châu Âu phải khẩn cấp họp hội nghị thượng đỉnh.
Pháp và Đức chủ trương tiêu diệt bọn đưa người vượt biên. Tổng thống Pháp François Hollande khẳng định bọn đưa người nhập cư là khủng bố.
Ông đề nghị tăng thêm tàu tham gia chiến dịch giám sát Triton của EU (chiến dịch bắt đầu từ đầu tháng 11-2014 nhằm giúp Ý đối phó nạn nhập cư trái phép) và tăng số phi vụ không quân giám sát trên Địa Trung Hải.
Báo Le Monde (Pháp) đưa tin tại Đức, Thủ tướng Angela Merkelnhận định các vụ đắm tàu chở người nhập cư xảy ra liên tục là bi kịch đối với châu Âu.
Bà nhấn mạnh châu Âu phải khẩn cấp giải quyết hai vấn đề: Châu Âu phải làm gì để bi kịch như thế không xảy ra nữa? Châu Âu sẽ phản ứng thế nào ở Libya để ngăn chặn tình hình chính trị phức tạp ở Libya không mở đường cho bọn buôn người thu lợi?
Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel kêu gọi cảnh sát và cơ quan giám sát biên giới của các nước châu Âu phải huy động toàn lực chống các băng nhóm đưa người trái phép.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizières vạch trần thủ đoạn của bọn đưa người là chất cho đầy người lên tàu để thu lợi rồi sau đó bỏ mặc những người trên tàu trên biển.
Tại Hy Lạp, Thủ tướng Alexis Tsipras đề nghị châu Âu cần củng cố các cấu trúc tìm kiếm và cứu nạn trên Địa Trung Hải bằng cách giúp đỡ các nước thuộc Địa Trung Hải của châu Âu.
Ông cho rằng song song theo đó, châu Âu cần đưa ra các sáng kiến ngoại giao để giải quyết hòa bình các cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Libya.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nhất trí với lời kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU để giải quyết thảm kịch nhập cư. Ông cảnh báo châu Âu có thể sẽ không còn đáng tin cậy nếu không có khả năng ngăn chặn bi kịch người nhập cư.
Vì sao Địa Trung Hải thành mồ chôn người nhập cư? Theo cơ quan thống kê Eurostat, năm 2014 đã có 626.700 người nhập cư châu Phi xin tị nạn vào EU so với 432.000 người năm 2013 và 309.800 người năm 2011. Có nhiều nguyên nhân giải thích: - Do nội chiến kéo dài, số công dân Syria xin tị nạn trong EU năm 2014 đã tăng lên 123.000 người so với 50.000 người năm 2013. - Một số khu vực ở châu Phi tiếp tục bất ổn như Nigeria (bọn khủng bố Boko Haram hoành hành) hay Somalia (tổ chức khủng bố Al Shabaab đe dọa). - Libya càng bất ổn sau khi ông Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Bọn đưa người trái phép đã chọn Libya làm điểm tập kết người nhập cư đưa sang châu Âu. Vị trí tàu đắm đêm 18-4 cách đảo Lampedusa (Ý) 120 hải lý. Ảnh: DAILY MAIL Sau sự kiện tàu chở 700 người bị đắm vào đêm 18-4, báo chí châu Âu đã gọi đó là “nỗi nhục nhã”, “thái độ thờ ơ phạm tội”. Báo Libération và báo Le Figaroở Pháp cũng như báo Le Soirở Bỉ gọi đây là “vụ đắm tàu của châu Âu” để chỉ thái độ thờ ơ của châu Âu trước hàng ngàn người bỏ mạng trên Địa Trung Hải. Báo Kronen-Zeitung ở Áo lấy tựa bài “Những cái chết phải dừng lại” và chỉ trích chính sách nhập cư châu Âu. Báo Svenska Dagbladet ở Thụy Điển ghi nhận châu Âu không thể quản lý được vấn đề nhập cư là điều quá tệ và đã để Địa Trung Hải thành một nghĩa trang đáng ghê sợ. Tại Anh, báo The Independent cảnh báo: “Châu Âu sẽ chứng kiến nguy cơ có thêm nhiều người chết nữa ở ngưỡng cửa châu Âu nếu không xem thảm kịch này là ưu tiên số một”. Báo Daily Telegraphghi nhận thật bất công khi các nước Nam Âu phải nhận lấy gánh nặng người nhập cư trong khi người nhập cư lại thích đến Bắc Âu. Báo Süddeutsche Zeitung ở Đức chỉ ra nguồn cơn của vấn đề là tình hình hỗn loạn ở Libya và châu Âu đã không đủ sức ngăn chặn bọn đưa người trái phép. |