Châu Phi gửi thông điệp đến LHQ: Lục địa đen phải được đưa vào cấu trúc quyền lực toàn cầu

(PLO)- Các nhà lãnh đạo châu Phi cho rằng châu lục này là một phần quan trọng của thế giới và sẵn sàng hợp tác với các nước để giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Nếu lắng nghe các nhà lãnh đạo châu Phi phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) năm nay, chúng ta có thể thấy một thông điệp rất rõ ràng và nhất quán, đó là châu lục này không còn chấp nhận việc phụ thuộc vào bên ngoài.

Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định rằng châu Phi là một phần quan trọng của thế giới. Do đó, họ phải được phép tham gia quá trình hợp tác toàn cầu và không thể đứng ngoài cuộc, theo hãng tin AP.

download (17) (1).jpg
Tổng thống Nigeria - ông Bola Tinubu phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19-9. Ảnh: AP

Châu Phi có 1,3 tỉ dân. Trên thực tế, phần lớn châu Phi đã trải qua thời kỳ độc lập tương đối dài - khoảng 60 năm. Họ cũng nhận thức rõ về những thách thức đang kìm hãm sự phát triển của châu lục mình và đang từng bước vượt qua chúng.

Mới đây, Liên minh châu Phi - tổ chức đại diện cho 55 quốc gia châu Phi đã có được chiếc ghế thành viên chính thức trong Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu (G20).

Khát vọng châu Phi

Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ hôm 21-9, Tổng thống Kenya - ông William Ruto nói: “Chúng tôi, với tư cách là châu Phi, đến đây không phải để xin bố thí, từ thiện, mà để hợp tác với các nước. Chúng tôi mong sẽ mang đến cho mọi người trên thế giới này cơ hội được sống trong an ninh và thịnh vượng”.

Trong những năm gần đây, châu Phi đã thể hiện rõ khả năng trở thành cường quốc toàn cầu của mình. Theo đó, châu lục này đã đạt được một số bước tiến trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong nước. Ngoài ra, nhiều nước trong châu lục còn có những nỗ lực giúp thúc đẩy hòa bình ở những nơi khác, như tham gia tìm giải pháp cho xung đột tại Ukraine.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Ghana - ông Nana Akufo-Addo cho rằng những thách thức mà châu Phi đối mặt hiện nay là do “những bất công lịch sử” và kêu gọi các nước có liên quan bồi thường vì nạn buôn bán nô lệ trong quá khứ.

Tổng thống Nam Phi - ông Cyril Ramaphosa khẳng định châu Phi đã sẵn sàng “lấy lại vị thế là nơi tiến bộ của loài người”, bất chấp việc còn tồn tại “di sản bóc lột và nô dịch” của chủ nghĩa thực dân. Trong khi đó, Tổng thống Nigeria - ông Bola Tinubu kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới không nên xem châu Phi là “một vấn đề cần tránh né”, mà nên xem châu lục này là “những người bạn và đối tác thực sự”.

“Châu Phi chính là chìa khóa cho tương lai của thế giới” - ông Tinubu nói.

Ông Murithi Mutiga - Giám đốc chương trình châu Phi của tổ chức phi lợi nhuận Crisis Group - cho rằng châu Phi đang muốn có tiếng nói lớn hơn trong các thể chế đa phương. “Những lời kêu gọi đó sẽ tiếp tục được đưa ra, nhất là vào thời điểm châu lục này đang được các cường quốc chú ý” - ông Mutiga nói.

5743.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu châu Phi hồi đầu tháng 9 tại Kenya. Ảnh: ANADOLU AGENCY/GETTY IMAGES

Bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ, Ngân hàng Phát triển châu Phi tổ chức đối thoại “Châu phi không thể dừng lại”, thu hút nhiều chính trị gia và các lãnh đạo doanh nghiệp tham gia. Chủ đề của sự kiện gây chú ý vì nó nói lên mong muốn của nhiều nước châu Phi.

Trước đó, hồi đầu tháng 9, các nước châu Phi đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu châu Phi lần thứ nhất. Hội nghị thảo luận về những vấn đề khí hậu mà châu Phi đang phải đối mặt và kêu gọi các nước giàu thực hiện các cam kết khí hậu của họ.

Nghịch lý châu Phi

Phát biểu của các nhà lãnh đạo và những sự kiện gần đây cho thấy châu Phi đang nỗ lực để tham gia các vấn đề toàn cầu và thể hiện vai trò của mình. Tuy nhiên, ngay tại lục địa này, một nghịch lý đang tồn tại.

Từ đây đến năm 2050, nguồn dân số trẻ của châu Phi dự kiến tăng gấp đôi và khu vực này hiện có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy người dân châu Phi đang nghèo đi và các bất ổn về chính trị, xã hội xảy ra thường xuyên hơn.

Ông Rashid Abdi - nhà phân tích vùng Sừng châu Phi và vùng Vịnh tại tổ chức nghiên cứu Sahan Research - cho rằng “Châu Phi là một nghịch lý. Đây có thể là một châu lục đang cạn kiệt hy vọng, nhưng châu lục này cũng đang chứng kiến ​​sự đổi mới, tư duy tiến bộ và các giải pháp rất thông minh”.

Ông Abdi cho biết thế giới đang ngày càng quan tâm hơn đến châu Phi và cách châu lục này góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu hiện nay.

“Châu Phi có tiềm năng để trở nên mạnh mẽ hơn, thúc đẩy sự tiến bộ và công bằng hơn trong hệ thống toàn cầu” - ông Abdi nói.

Theo cơ quan thương mại và phát triển của LHQ, vào năm 2022, tổng nợ công của châu Phi là 1.800 tỉ USD. Con số này cao gấp 40 lần ngân sách năm 2022 của Nigeria - quốc gia lớn nhất châu Phi, theo hãng tin AP.

Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo - ông Felix-Antoine Tshisekedi cho biết: “Châu Phi không cần quan hệ đối tác dựa trên viện trợ mang tính chính trị. Các khoản viện trợ nhỏ giọt đầy toan tính chắc chắn sẽ không giúp châu lục của chúng tôi trỗi dậy thực sự và hiệu quả”.

download (18) (1).jpg
Tổng thống Nam Phi - ông Cyril Ramaphosa (giữa) cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 9-9. Ảnh: AP

Thay vào đó, theo Tổng thống Mozambique - ông Filipe Nyusi, điều châu Phi cần là một hệ thống tài chính toàn cầu toàn diện hơn.

Ông Nyusi cho rằng trong một hệ thống như vậy, người châu Phi có thể tham gia với tư cách là “một đối tác có rất nhiều thứ để cung cấp cho thế giới, chứ không chỉ là một nhà kho cung cấp hàng hóa giá rẻ cho các nước, các tập đoàn đa quốc gia”.

Thách thức vẫn còn

Năng lực của châu Phi không chỉ nằm ở dân số mà còn ở nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Tuy nhiên, theo ông Ibrahim Mayaki - đặc phái viên của Liên minh châu Phi về hệ thống lương thực, châu Phi đang đối mặt với một số thách thức trong việc thể hiện vai trò của mình.

“Trở ngại chính đối với sự phát triển của châu Phi là châu lục này có hơn 50 quốc gia với sự phân mảnh cao” - ông Mayaki nói.

Theo Chỉ số Phát triển Con người của LHQ, châu phi có 30 quốc gia nằm trong nhóm kém phát triển nhất thế giới. Do đó, việc tập trung phát triển và cải thiện đời sống người dân cũng là những mục tiêu đáng xem xét.

“Nếu châu Phi muốn vai trò của mình được đề cao, các nhà lãnh đạo của châu lục này cần phải giải quyết những thách thức nghiêm trọng mà họ đang phải đối mặt. Chúng bao gồm xung đột, làn sóng đảo chính, vấn đề an ninh” - ông Mutiga nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm