Đảo chính châu Phi: Niger bắt một cố vấn Pháp, Gabon bổ nhiệm thành viên quốc hội

(PLO)- Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi an ninh Niger trả tự do ngay lập tức cho một cố vấn Pháp; chính quyền quân sự Niger tuyên bố chấm dứt hiệp ước quân sự với Benin vì cáo buộc nước láng giềng cho phép ECOWAS triển khai quân đội trên lãnh thổ; Tổng thống lâm thời Gabon bổ nhiệm thành viên quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-9, Bộ Ngoại giao Pháp đã kêu gọi chính quyền quân sự Niger trả tự do ngay lập tức cho một quan chức Pháp bị lực lượng an ninh Niger bắt giữ, theo hãng tin Reuters.

Quan chức bị bắt là cố vấn cho công dân Pháp ở nước ngoài (conseiller des Français de l'étranger). Người này bị bắt vào ngày 8-9.

“Ngay từ ngày đầu tiên, đại sứ quán của chúng tôi đã làm việc để bảo vệ cho công dân Pháp” - theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp.

Người dân Niger biểu tình phản đối Pháp bên ngoài căn cứ không quân Pháp ở thủ đô Niamey (Niger) ngày 2-9. Ảnh: AFP

Người dân Niger biểu tình phản đối Pháp bên ngoài căn cứ không quân Pháp ở thủ đô Niamey (Niger) ngày 2-9. Ảnh: AFP

Cố vấn cho công dân Pháp ở nước ngoài là một chức vụ dân cử đại diện cho người Pháp ở nước ngoài và làm việc chặt chẽ với các đại sứ quán và lãnh sự quán Pháp. Theo Bộ Ngoại giao Pháp, có 442 cố vấn như vậy trên toàn thế giới. Vai trò của cố vấn là giúp đỡ người Pháp xa xứ trong các vấn đề về công việc, trường học, an sinh xã hội,.... Vị trí này được bầu với nhiệm kỳ 6 năm.

Tháng trước, chính quyền quân sự Niger đã ra lệnh cho cảnh sát trục xuất đại sứ Pháp. Phía Paris cho rằng chính quyền quân sự Niger không có thẩm quyền trục xuất đại sứ Pháp.

Cùng ngày, chính quyền quân sự Niger cho biết sẽ chấm dứt hiệp ước quân sự với Benin vì cáo buộc nước láng giềng này cho phép các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) triển khai quân đội trên lãnh thổ để can thiệp quân sự vào Niger.

Trong tuyên bố phát trên truyền hình quốc gia, chính quyền quân sự Niger nói rằng Benin đã “cho phép triển khai binh lính, lính đánh thuê và vật liệu chiến tranh” trên lãnh thổ của mình để ECOWAS có thể can thiệp, do đó, Niger “quyết định từ bỏ thỏa thuận hợp tác quân sự” với Benin.

Benin chưa bình luận về động thái của phía Niger.

ECOWAS chưa chia sẻ bất kỳ thông tin chi tiết nào về khả năng triển khai quân sự. Tuần trước, Niger cho biết các cuộc đàm phán với ECOWAS vẫn tiếp tục.

Gabon: Tổng thống lâm thời bổ nhiệm thành viên quốc hội

Ngày 12-9, Ủy ban Chuyển đổi và Phục hồi Thể chế (CTRI) - cơ quan do Tướng Brice Nguema (người lãnh đạo phe đảo chính và là Tổng thống lâm thời Gabon) đứng đầu - đã bổ nhiệm các thành viên cho quốc hội Gabon. Việc bổ nhiệm được thông báo trên đài truyền hình quốc gia Gabon 24.

Thượng viện mới sẽ do ông Paulette Missambo - một trong những đối thủ hàng đầu của Tổng thống bị lật đổ Ali Bongo trong cuộc bầu cử và là người đứng đầu đảng Liên minh Quốc gia đối lập - lãnh đạo.

Ông Jean-Francois Ndongou - người nắm giữ nhiều chức vụ cấp bộ trưởng dưới thời chính quyền ông Bongo - sẽ là chủ tịch của quốc hội chuyển tiếp.

CTRI cũng bổ nhiệm 4 phó tổng thống gồm sĩ quan quân đội, chính trị gia và các nhân vật xã hội dân sự.

Chính quyền quân sự cũng cam kết đưa ra một hiến pháp mới, sẽ được thông qua bằng trưng cầu dân ý và một bộ luật bầu cử mới.

Cũng trong ngày 12-9, chính quyền quân sự thông báo điều chỉnh lệnh giới nghiêm, theo đó, ở thủ đô Libreville (Gabon) và các vùng lân cận, giờ giới nghiêm giảm 4 giờ, từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng. Trong khi đó, giờ giới nghiêm ở phần còn lại của đất nước vẫn sẽ duy trì từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng.

Thủ tướng vừa được bổ nhiệm của Gabon - ông Raymond Ndong Sima. Ảnh: AFP

Thủ tướng vừa được bổ nhiệm của Gabon - ông Raymond Ndong Sima. Ảnh: AFP

Trước đó, ngày 11-9, ông Raymond Ndong Sima - Thủ tướng mới được bổ nhiệm của chính quyền quân sự Gabon cho biết chính quyền quân sự có kế hoạch tổ chức bầu cử tự do trong 2 năm tới.

“Mục tiêu hợp lý là quá trình chuyển tiếp sẽ kết thúc sau 24 tháng, sau đó chúng ta có thể quay trở lại bầu cử” - ông Sima nói với hãng tin AFP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm