Câu chuyện về cuộc chạy đua cứu thai nhi không nhiễm HIV từ mẹ bắt đầu bằng hình ảnh em bé kháu khỉnh với ánh mắt long lanh, vừa tròn một tháng tuổi. Mẹ em là chị NTKL, 37 tuổi, người gốc miền Tây lên TP.HCM mưu sinh.
Người mẹ đã nhiều lần bỏ cuộc
Lầm lỡ tuổi xuân, chị L. không may nhiễm HIV rồi sau đó có con. Vô tình tìm hiểu được việc điều trị không lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, với mong muốn con mình sinh ra khỏe mạnh, người phụ nữ này đã đến kiểm tra tại Phòng khám OPC ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tại đây, chị được cho uống thuốc theo phác đồ điều trị dành cho thai phụ nhiễm HIV.
“Nhóm quản lý thai phụ cứ nghĩ mọi việc đã thuận lợi. Ai ngờ chị này đột nhiên bỏ ngang, về quê. Mọi người cố gắng liên lạc nhưng đều thất bại. Sau này được biết do chị thấy mặc cảm và điều tiếng xung quanh, không dám đến điều trị nữa” - BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, thành viên nhóm điều trị không lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, cho biết.
Theo lời kể của BS Khanh, mọi việc bắt đầu khó khăn khi phụ nữ này trở lại ở tuần thai thứ 33 và muốn tiếp tục điều trị. “Đối với người trong nghề, đây là một thử thách rất lớn. Vì người mang thai không biết mình bị nhiễm HIV hoặc đang dùng thuốc mà bỏ ngang thì lượng virus trong máu sẽ rất cao. Bên cạnh đó, nguy cơ kháng thuốc từ phác đồ lần đầu khá lớn. Hầu như những đứa con sinh ra đều không thể tránh khỏi nguy cơ mắc HIV từ mẹ” - BS Khanh nói.
Tư vấn điều trị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM. (Ảnh minh họa)
“Ngay từ thời điểm tiếp nhận lại bệnh nhân, một bác sĩ trong nhóm từ Bình Chánh đã liên hệ với các bác sĩ sản, nhi trong TP. Mọi người đọc tài liệu, tìm hiểu các nghiên cứu từ nước ngoài. Bằng mọi cách tìm ra hướng điều trị mới nhằm lên kế hoạch riêng cho chị L. Do nguy cơ kháng thuốc đã quá lớn, chúng tôi không điều trị cho chị này giống như những người khác, đưa ra phác đồ điều trị mạnh hơn, đồng thời lên kế hoạch cho em bé ra đời. Mọi thứ diễn ra khá nhanh vì lúc đó thời gian chờ đợi không cho phép” - BS Khanh nói tiếp.
Theo BS Hà, Phòng khám OPC Bình Chánh, người tham gia điều trị cho sản phụ, mặc cảm xã hội vẫn còn nên dù đã tình nguyện quay lại nhưng sản phụ này cứ vài hôm lại đòi về miền Tây. “Chúng tôi không dám rời chị ngày nào, phải liên tục gọi điện thoại dặn chị uống thuốc từng buổi một. Phải thuyết phục đủ đường, nói làm sao để chị hiểu bỏ về là mất cơ hội cho con. Dù chúng tôi không dám chắc cơ hội thành công nhiều bao nhiêu nhưng chị phải cùng cả nhóm nỗ lực”.
Bé âm tính với HIV
Cứ tưởng mọi việc đã nằm trong kế hoạch an toàn, thế nhưng khó khăn mới lập tức ùa đến. Dự sinh sai ngày, thai phụ này đẻ sớm hơn hai tuần so với dự kiến, chỉ đúng kế hoạch là sinh tại BV Hùng Vương.
“Ngay khi nhận thông báo, nhóm lại chạy đua vì sự an toàn của em bé. Theo kế hoạch, sau sinh em bé phải dùng thuốc điều trị theo phác đồ ngay, thế nhưng sinh quá sớm, lúc này BV Hùng Vương chỉ có một loại thuốc duy nhất. Các bác sĩ trong nhóm khi ấy đã bật hệ thống trực tuyến, thực hiện cuộc hội chẩn nhanh với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP cùng nhiều bác sĩ khác để làm xét nghiệm ngay cho bé tại BV Hùng Vương, cho bé uống thuốc rồi chuyển thẳng bé sang BV Nhi đồng 1 tiếp tục uống thuốc mới. Đối với xét nghiệm HIV, xét nghiệm tải lượng virus trong máu cho một em bé thường mất rất nhiều thời gian nhưng do sự gấp rút trong trường hợp này, chúng tôi liên hệ với nhóm xét nghiệm của Viện Pasteur, lấy kết quả nhanh nhất. Quy trình khép kín sau gần một tuần, kết quả xét nghiệm em bé âm tính với HIV. Lúc đó chúng tôi chỉ dám mừng thầm thôi vì kết quả chưa chắc chắn 100%. Em bé được đưa về với mẹ tại Bình Chánh, tiếp tục theo dõi, uống thuốc. Gần bốn tuần sau, xét nghiệm lại lần nữa và kết quả rất tuyệt vời: Âm tính” - BS Trương Hữu Khanh hạnh phúc kể lại.
Tại TP.HCM, chương trình phòng, chống lây nhiễm từ mẹ sang con trước giờ đã làm rất tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số em bé mắc bệnh sau khi sinh, trong đó đa số là những người mẹ không làm xét nghiệm khi mang thai. Do đó em bé sinh ra các bác sĩ cứu không kịp. Về sau lại xuất hiện thêm nguyên nhân khác là người nhiễm HIV đang uống thuốc thì có thai nên dừng lại dẫn đến nguy cơ nhiễm HIV do kháng thuốc cao. Mặc dù năng lực thanh toán HIV từ mẹ sang con tại TP khá ổn nhưng vẫn còn nhiều trường hợp em bé mắc bệnh. Nếu quyết tâm giải quyết từng ca, không giải quyết theo một quy trình chung mà dí theo từng bà mẹ. Bên cạnh đó, bổ sung thêm nhân lực cho nhiều nhóm thì chắc chắn tình hình HIV lây từ mẹ sang con sẽ thay đổi. BS TRƯƠNG HỮU KHANH _______________________________ Có theo dõi từ đầu đến cuối mới thấy hai mẹ con này rất may mắn, nhất là đứa bé. Ngay từ khi quyết định điều trị cho cả hai mẹ con từ tuần thai thứ 33, chúng tôi không dám nghĩ sẽ thành công. Thế nhưng qua sự cố gắng của cả một tập thể mới thấy được năng lực thanh toán HIV từ mẹ sang con tại TP rất tốt. Qua đây tôi cũng mong chị em phụ nữ mang thai đừng ngại chuyện xét nghiệm HIV. Bên cạnh đó, các chị em đang nhiễm HIV nhưng nghĩ mình đủ sức khỏe để sinh con nên báo cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ xem xét, chuẩn bị tư thế, đảm bảo an toàn cho các bé được sinh ra. |