Theo Telegraph, trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Molecular Therapy, các nhà khoa học tại khoa Y Lewis Katz (LKSOM) thuộc ĐH Temple và ĐH Pittsburgh (Mỹ) cho biết họ có thể loại bỏ hoàn toàn virus HIV từ tế bào người được cấy vào chuột, thậm chí còn ngăn chặn khả năng lây lan của virus này bằng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR. Daily Mail cho biết đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thành công trong việc loại bỏ hoàn toàn virus HIV trên cơ thể động vật sống, mở đường cho những thử nghiệm lâm sàng ở người trong tương lai.
TS Wenhui Hu thuộc ĐH Temple với vai trò đứng đầu dự án, cho biết dựa theo những nghiên cứu trước đây của nhóm, họ đã có thể loại bỏ HIV-1 ra khỏi hệ gen ở các mô và loại bỏ hoàn toàn virus chỉ một năm sau đó.
Các nhà nghiên cứu tuyên bố đã loại bỏ thành công virus HIV trên cơ thể sống thông qua thử nghiệm ở loài chuột. Ảnh: GETTY
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên ba nhóm chuột. Nhóm đầu tiên là những con chuột bị nhiễm HIV-1, nhóm thứ hai nhiễm EcoHIV (tương tự HIV-1 của con người) và nhóm thứ ba là những con chuột được “nhân hóa” có kết hợp tế bào miễn dịch của con người, trong đó có tế bào T - nơi virus HIV có xu hướng “ẩn mình”.
Với nhóm đầu tiên, các nhà khoa học quản lý được gen, ngăn chặn khả năng hoạt động của HIV-1 và làm giảm sự biểu hiện ARN của các gen virus lên đến 95%, khẳng định những phát hiện trước đây của nhóm.
Ở nhóm thứ hai, virus EcoHIV dễ lây lan và nhân lên nhanh chóng. TS Khalili, thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích rằng trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính, virus HIV sẽ chủ động tái tạo. Với con chuột nhiễm EcoHIV, CRISPR/Cas9 có thể ngăn chặn sự nhân lên và lây lan, đồng thời loại bỏ được 96% virus trong cơ thể. Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy khả năng loại bỏ virus HIV-1 bằng hệ thống CRISPR/Cas9.
Nhóm thứ ba là những con chuột “nhân hóa” hoàn toàn loại bỏ virus tiềm ẩn trong mô và cơ quan của chuột chỉ sau một lần điều trị bằng CRISPR/Cas9.
Các nhà khoa học cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu trên loài linh trưởng, hướng tới mục tiêu cuối cùng là thử nghiệm lâm sàng ở người trong thời gian tới.