Mới đây, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên phạt các bị cáo là cựu Giám đốc Trung tâm pháp y Quảng Ngãi, cựu Chánh toà Lao động TAND tỉnh Quảng Ngãi và một số bị cáo các mức án khác nhau về các tội đưa, nhận hối lộ, môi giới hối lộ.
Những người này đã cấu kết, làm giả các bản giám định pháp y để hoãn thi hành án phạt tù cho một số bị án.
Đây là vụ án hiếm hoi mà những người trong cuộc đã lợi dụng chủ trương nhân đạo của pháp luật để trì hoãn, né tránh việc thi hành án phạt tù, được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Theo tinh thần nhân đạo cho bị cáo, người thân và bảo vệ quyền con người, luật quy định: Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt khi bị bệnh nặng cho đến khi sức khỏe hồi phục; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; là lao động duy nhất trong gia đình (trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…), và các bị cáo trong vụ án nêu trên “vận dụng triệt để” quy định nhân đạo này để trì hoãn thi hành án.
Các bị án chả bệnh tật gì nhưng cựu chánh tòa, giám định viên đã tưởng tượng ra bệnh tật để qua mặt cơ quan chức năng. Thậm chí có trường hợp tưởng tượng bệnh chưa đủ nặng thì họ sửa tiếp và đằng sau những bản giám định giả là tiền hối lộ, bôi trơn.
Có nhiều trường hợp mà khi cơ quan chức năng phát hiện thì người phạm tội chìa ra giấy chứng nhận bị tâm thần nên thoát tội. Cũng có người đang làm giám đốc, phó giám đốc công ty, ngân hàng… nhưng sau khi bị tòa kết tội thì bỗng họ bị mắc bệnh tâm thần và thường là được điều trị ngoại trú, thậm chí có người còn có cả giấy chứng nhận bị bệnh từ trước đó - lúc họ còn đang đương chức giám đốc. Với những trường hợp như vậy thì cơ quan thi hành án cũng không thể thực hiện việc bắt họ đi tù cho đến khi họ chữa khỏi bệnh. Mà việc chữa bệnh này thì kéo rê hết năm này đến năm nọ vẫn chưa biết khi nào thì khỏi…
Theo quy định, giám định viên pháp y, giám định viên tâm thần là những người hiểu biết rất sâu về chuyên môn, pháp luật. Ngoài chuyên môn là bác sĩ, họ còn phải trải qua thời gian dài công tác, được đào tạo, thi tuyển, tuyển lựa khắt khe bởi kết luận của họ liên quan mật thiết, cực kỳ quan trọng tới quy trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Không "vơ đũa cả nắm", nhưng lĩnh vực giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần vốn chuyên sâu mà người thường, kể cả cơ quan tố tụng không thể biết được nên đã xảy ra một số vụ việc phức tạp dẫn đến có người trốn tội, né thi hành án và cuối năm 2023, Bộ Y tế phải có văn bản chỉ đạo gửi các Sở Y tế, Viện Pháp y Quốc gia; Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và Trung ương 2; Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực và y tế các bộ, ngành để chấn chỉnh.
Trong văn bản chỉ đạo, Bộ yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, lưu trữ hồ sơ bệnh án; thực hiện giám định khách quan, trung thực, chính xác, đúng quy trình, đúng quy định pháp luật…
Tháng 10-2023 Bộ Chính trị cũng có quy định (Quy định 132-QĐ/TW) về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong đó nêu các biểu hiện, hành vi để nhận diện, ngăn ngừa, xử lý và nêu rõ các hoạt động giám định, định giá tài sản, đấu thầu, đấu giá; công chứng, chứng thực; phiên dịch, dịch thuật, xét đặc xá… là lĩnh vực phải tăng cường kiểm soát, kiểm tra.
Các văn bản trên đã cho thấy sự phức tạp trong lĩnh vực giám định là như thế nào.
Trở lại vụ án trên, các bị cáo cố tình tạo ra các bản giám định giả làm các bản án mà tòa xét xử bị trì hoãn thi hành trong nhiều năm mới bị phát hiện, vô hình chung bản án của tòa không phát huy được tính kịp thời răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Điều lớn hơn là họ đã làm giảm niềm tin của người dân và của chính các cơ quan tố tụng vào các bản kết luận giám định của ngành này.
Nên chăng các cơ quan chức năng rà soát lại hồ sơ, tình trạng của tất cả các bị án đang được điều trị ngoại trú vì bệnh nặng, bệnh tâm thần chưa phải thi hành án phạt tù, bởi không tránh được người dân có quyền nghi ngờ là chẳng biết những người được hoãn thi hành án là bệnh thật hay bệnh giả, điên thật hay điên giả vì nó quá chuyên môn…