‘Chạy lũ chồng lũ, tôi trắng tay rồi, chú à!’

Hai ngày khi lũ đi qua, con đường lên xóm Bàu Trúc tới đền thờ Po K’ Long Chank (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) ngày trước đi lại rất dễ dàng, bây giờ ngập trong bùn đất, có những đoạn nước xoáy sâu xuống lỗ chỗ ổ trâu, ổ voi.

Vùng đất trù phú bị vùi dập nặng nề

Hai bên đường là những ruộng lúa gãy rạp, lấp đầy đất, đá. Nhìn cảnh tượng hoang tàn bao phủ từng ngọn cây, bờ cỏ, mái nhà, ngõ xóm sau ngày lũ rút, ít ai nghĩ rằng một miền quê yên bình và nên thơ với những mái nhà nằm san sát nhau bên những vườn cây trái xanh mướt mát... lại hứng chịu sự tàn phá nặng nề của thiên nhiên đến vậy.

Đi xe máy theo con đường nhỏ còn đầy bùn nước, chúng tôi phải cố giữ thăng bằng để bánh xe không trượt khỏi mặt đường. Chúng tôi đi qua những ngôi nhà vẫn còn loang lổ vết nước thấm và những khuôn mặt bơ phờ, mệt mỏi vì những ngày chạy lũ. Họ giờ đây đang hối hả phải gồng mình dọn dẹp đống bùn đất từ trong nhà lẫn ngoài vườn.

Tại nhà anh Lê Văn Toàn ở khu phố 12, vợ chồng anh như vẫn còn thất thần bởi cơn lũ. Anh than thở: “Lũ về nhanh quá! Nhiều nhà không kịp bảo vệ tài sản, chỉ kịp lo thoát thân chạy lên đường xe lửa”.

Biết thiên tai thì không thể tránh khỏi nhưng chưa đầy một tuần mà người dân ở đây phải chịu tới hai đợt lũ đổ về. Ngày 19-11 lũ về chưa kịp khô đất thì ngày 25 dòng lũ khác lại ập xuống. Nước dâng lên cao và nhanh, sức tàn phá nặng nề. Dòng nước dữ dằn cuốn phăng tất cả những gì trên đường đi của nó, người dân chỉ kịp chạy lấy người. Ông Lê Văn Ba kể lại: “Khi ấy khắp vùng là tiếng la ó, hò hét, trẻ con khóc... Đứng trên đường sắt tôi nhìn nước lũ cuốn trôi, nhấn chìm toàn bộ tài sản của mình mà rơi nước mắt. Tôi trắng tay rồi, chú à!”.

Anh Lê Văn Toàn tiếc đứt ruột 3.500 m2 nho đang vào vụ của anh bị mất trắng vì lũ. Ảnh: NINH SƠN

Vực dậy thôi, dù sao mình vẫn phải sống!

Anh Toàn đưa tôi ra vườn nho của anh. 3,5 sào nho xanh chỉ còn 10 ngày nữa là thu hoạch, nay gần như đã sập xuống đất hoàn toàn. Anh tiếc nuối: “Ba ngàn rưỡi mét vuông nho, tôi đầu tư cho vụ này gần 30 triệu đồng. Ước bán theo giá bây giờ cũng phải trên 100 triệu”. Ngắt ăn thử một trái nho còn sót lại, chúng tôi cảm nhận vị ngọt lịm của nó lẫn nỗi đắng cay của anh.

Thị trấn Phước Dân đang tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê và đánh giá tình hình thiệt hại về tài sản; vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ các hộ dân ổn định đời sống. Đồng thời, thị trấn tổ chức tiếp nhận các nguồn hỗ trợ khẩn cấp chuyển giao đến tay người dân vùng lũ kịp thời. 

Theo chân anh Toàn, chúng tôi đi về phía cầu Xóm Cũ. Đây là con đường chính đưa tới đền thờ Po K’ Long Chank - ông tổ nghề gốm Bàu Trúc, cũng là con đường chính dẫn ra cánh đồng của bà con làng gốm Bàu Trúc. Cơn lũ đã bẻ gập cây cầu xuống. Hai bên đường những đám lúa rạp mình xuống vì bùn đất. Vẫn có những đám ruộng nhưng bị nước ngập, không thấy cây lúa ở đâu. Cây lúa bị thất bát đợt này là mất mát quá lớn với bà con làm nông nghiệp nơi đây, bởi lũ về cùng với mưa lớn dài ngày đúng thời điểm lúa đang trổ đòng rộ.

Anh Toàn cho hay: “Mùa này chỉ gặt rơm thôi, anh ạ! Giỏi lắm một sào chỉ được 50 ký rơm là cùng. Chờ vài hôm nữa khô đất, chắc phải mướn công dựng dàn nho lên lại. Dù sao thì mình cũng phải sống, thiên tai làm mình bị thiệt hại chứ mình không thua nó đâu anh”.

Bà Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, cho biết: “Rất may là toàn thị trấn không có thiệt hại về người, chỉ sập bốn căn nhà và xiêu vẹo bốn căn khác. Chợ Phú Quý bị ngập hoàn toàn với độ sâu khoảng 1,5 m. Toàn bộ tài sản của 55 hộ trong 68 sạp kinh doanh hư hỏng hết. 687 ha lúa bị ngập, khả năng thiệt hại 70%. Gần 65 ha rau màu các loại và cây ăn trái bị thiệt hại; 25 km đường nội đồng bị sạt lở, hư hỏng nặng... Hiện nay nước đang rút chậm, vẫn còn một số khu vực bị ngập sâu và chia cắt nên chưa thể thống kê, đánh giá được mức độ thiệt hại cụ thể về tài sản và sản xuất nông nghiệp được. Dù khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nhất định nhân dân thị trấn Phước Dân sẽ vượt qua”.

Sập cầu: Hơn 300 hộ dân Khánh Hòa bị cô lập

Hai cơn bão ảnh hưởng đến Khánh Hòa làm địa phương này thiệt hại nặng nề, 20 người chết, hàng chục người bị thương và hàng trăm ngôi nhà bị sập, hư hỏng. Đến chiều 27-11, các điểm ngập và sạt lở trên các tuyến đường ở Khánh Hòa đã cơ bản thông tuyến. Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho biết sau hai ngày nỗ lực phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện Khánh Sơn, tuyến Tỉnh lộ 9 đã chính thức thông xe vào sáng cùng ngày.

Tại Cam Ranh, chính quyền nơi đây cho hay: Sự cố sập cầu nối TP Cam Ranh với xã đảo Cam Lập vẫn chưa khắc phục xong. Hiện hơn 300 hộ dân ở xã đảo Cam Lập vẫn cô lập với bên ngoài.

Còn tại TP Nha Trang, sau khi khảo sát một số điểm sạt lở làm chết người ở xã Phước Đồng và phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang), ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết sẽ lên phương án tái định cư, di dời dân ra khỏi các sườn núi.

LÊ NGÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới