Hai chuyên gia này nhận định mặc dù 10 nước thành viên ASEAN đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc đáp ứng một số mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và đã có những tiến bộ trong việc tạo điều kiện cho sự dịch chuyển lao động có tay nghề trong khu vực, nhưng đến nay vấn đề này thực sự vẫn tiến triển rất chậm.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính có 1,3 triệu lao động có trình độ đại học ở Đông Nam Á đã tìm tới các nước có thu nhập cao hơn ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, New Zealand và Australia. Đáng chú ý, con số này đã tăng lên 40% kể từ năm 2000.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và MPI, 3 nguyên nhân chính lý giải cho vấn đề này là do các lao động có tay nghề trong khu vực nhận thấy những kỹ năng, kiến thức của họ ít được sử dụng và bị coi thường, vì các bằng cấp không được công nhận một cách dễ dàng; mặc dù vẫn có sự đảm bảo cho sự dịch chuyển lao động trình độ cao trong khu vực nhưng những rào cản ở cấp quốc gia đã cản trở người lao động tiếp cận thị trường lao động ASEAN; nhiều lao động tự hạn chế cơ hội tìm kiếm công việc trong khu vực do nhận thức về văn hóa, ngôn ngữ và các khác biệt kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, theo hai chuyên gia trên, đây cũng là thời điểm chín muồi để giải quyết những rào cản cả thực tiễn và nhận thức, phù hợp với xu thế thay đổi nhân khẩu học, kinh tế và xã hội của khu vực và thế giới.
Các chuyên gia MPI cho rằng các nhà hoạch định chính sách ASEAN cần thúc đẩy, tăng cường cam kết của khu vực ở cấp cao nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng nguồn nhân lực, tận dụng tốt hơn nguồn nhân lực sẵn có và đặt ra một lộ trình cụ thể trong thập kỷ tới và xa hơn nữa, hướng tới sự dịch chuyển tự do lao động có trình độ ở khu vực để ngăn chặn tình trạng chảy máu “chất xám,” cạnh tranh hiệu quả trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng dựa vào tri thức và các thách thức từ nguồn lao động có tay nghề cao ngày càng tăng ở các nước láng giềng như Trung Quốc và Ấn Độ.
Cụ thể, một chiến lược hai mũi nhọn là bắt buộc, trong đó các nước thành viên ASEAN cần hợp tác trong ngắn và trung hạn để giải quyết những trở ngại không cần thiết trong cách nhìn nhận trình độ chuyên môn của các lao động và tăng khả năng tiếp cận với thị trường lao động trong khu vực.
Mặt khác, các chính phủ nên đầu tư vào hệ thống giáo dục và đào tạo quốc dân, chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng cho người lao động theo tiêu chuẩn chung ASEAN.
Các chuyên gia MPI cho biết ADB và MPI sẽ tổ chức diễn đàn đối thoại để tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà kinh tế hàng đầu trong khu vực thảo luận các vấn đề mang tính bản chất cũng như mức độ của tình trạng dịch chuyển lao động có tay nghề trong ASEAN, làm rõ các thách thức mà các nước đang phải đối mặt để đưa ra cách thức giải quyết một cách hiệu quả nhất./.
Theo Vietnam+