Thời gian qua, mạng xã hội liên tục xuất hiện các trend "truy tìm kho báu" của bà Trương Mỹ Lan, mới nhất là trend giả hình ảnh về việc bà Trương Mỹ Lan chuyển khoản 673.000 tỉ đồng.
Một số tài khoản mạng xã hội đã lợi dụng trend này tạo những đường link để hack facebook của người dùng hoặc dùng link để câu dẫn, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Xin hỏi việc chế ảnh chuyển khoản này có vi phạm pháp luật hay không? Hơn nữa các đối tượng lợi dụng việc làm này để lừa đảo thì sẽ bị xử phạt thế nào?
Bạn đọc Thuý Vy (TP.HCM)
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Đối với các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội chắc chắn là giả, bởi hiện nay ngân hàng chỉ cho phép giao dịch chuyển khoản trong một ngày tối đa vài chục tỉ hoặc vài tỉ, tùy vào mỗi ngân hàng.
Vấn đề này, có thể chia ra nhiều trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, trong hình ảnh này, tên của ngân hàng được che đi, đồng thời không sử dụng hình ảnh của bà Trương Mỹ Lan thì chỉ xem là trò đùa vui vẻ, không thể xử phạt gì được vì thực tế cuộc sống có rất nhiều bà Trương Mỹ Lan.
Trường hợp thứ hai, trong hình ảnh có đầy đủ tên ngân hàng, tên bà Trương Mỹ Lan đặc định cụ thể trong vụ án Vạn Thịnh Phát thì chuyện không dừng ở trò đùa nữa.
Khi đó, căn cứ Điều 5 Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, thì các hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… đều là các hành vi bị cấm.
Những hành vi tung tin đồn không đúng sự thật này sẽ căn cứ vào mức độ ảnh hưởng mà có thể xử lý theo các quy định pháp luật.
Căn cứ tại các Điều 99, Điều 100 và Điều 102 Nghị định 15/2020, tùy thuộc vào các hành vi vi phạm cụ thể, cũng như tính chất và mức độ vi phạm, các hành vi này có thể bị xử phạt từ 10 - 50 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm và từ 5 - 25 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm.
Trường hợp mục đích làm giả hình ảnh chuyển khoản này để thực hiện hành vi lừa đảo, gian lận nhằm chiếm đoạt tiền người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021).
Bên cạnh đó, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, nếu có dấu hiệu hình sự thì người phạm tội có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả gây ra của hành vi.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.