Mới đây, Khu Quản lý đường bộ III đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên Quốc lộ 27C.
Theo Khu Quản lý đường bộ 3, việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên Quốc lộ 27C nhằm ngăn ngừa, hạn chế phát sinh hư hỏng, đảm bảo an toàn giao thông, khôi phục hoạt động giao thông, khôi phục một phần công trình theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của công trình trước khi bị hư hỏng.
Cụ thể, tuyến giao thông này bị tê liệt hoàn toàn từ ngày 15-12 đến nay do sạt lở nghiêm trọng trên đèo Khánh Lê (nối huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa và huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Đất đá sạt lở từ phía taluy dương với khối lượng rất lớn tràn lấp toàn bộ mặt đường với chiều dài hơn 300 m, gây ách tắc giao thông hoàn toàn. Tại điểm này, có nhiều tảng đá lớn phải nổ mìn phá đá.
Vậy theo quy định của pháp luật thì việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai có ý nghĩa gì; trường hợp nào sẽ được công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai?
Luật sư Nguyễn Thị Lệ Kiều, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai là biện pháp pháp lý được hình thành và thực thi dựa trên những nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Thế nào là thiên tai và tình huống khẩn cấp về thiên tai là như thế nào?
Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 sửa đổi, bổ sung năm 2020 định nghĩa “Thiên tai” là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
Theo đó, tình trạng mưa lớn kéo dài gây sạt lở nghiêm trọng trên đèo Khánh Lê từ ngày 15-12 đến nay có thể xác định là thiên tai theo quy định trên.
Khoản 1 Điều 12 Nghị định 66/2021 quy định: Tình huống khẩn cấp về thiên tai là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra đã gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng như sân bay, đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, bến cảng quốc gia, hệ thống lưới cao thế từ 66KV trở lên, các khu di tích lịch sử cấp quốc gia, trường học, bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, trụ sở các cơ quan từ cấp huyện trở lên, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.
Về nội dung quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai được quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 66/2021. Theo đó, việc công bố này mang ý nghĩa như một hình thức ghi nhận chi tiết quy mô tình huống, đưa ra hướng giải quyết và triển khai thông tin đến toàn dân về: Diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai hoặc sự cố; sự cố công trình phòng, chống thiên tai hoặc sự cố công trình xây dựng ảnh hưởng do thiên tai; mức độ hư hỏng đối với công trình; thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại có thể xảy ra, đặc biệt liên quan đến an toàn về người.
Đồng thời, tại quyết định công bố, cơ quan có thẩm quyền sẽ phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay, để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra.
Tóm lại, việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai có ý nghĩa pháp lý quan trọng trong việc tổ chức, điều phối, và thực hiện các biện pháp ứng phó nhằm bảo vệ con người, tài sản, môi trường. Qua đó, xác định được trách nhiệm pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc ra quyết định và thực hiện các nghĩa vụ được giao; kích hoạt kịp thời cơ chế ứng phó khẩn cấp và huy động, phân bổ hiệu quả nguồn lực để phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.