Tôi có con trai 10 tuổi, bị tiểu đường type 1, cháu đang giai đoạn phát triển nhưng chế độ ăn uống kiêng khem nên sợ con tôi thiếu chất. Hiện tại tôi rất lo lắng không biết phải cho cho cháu ăn uống thế nào?
(Nguyễn Thị Yến, Đồng Nai)
BSCK II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM trả lời:
Tôi rất tiếc là cháu mới 10 tuổi nhưng lại bị đái tháo đường type 1. Chúng ta được biết là đái tháo đường type 1 là thường gặp ở trẻ em. Với loại tiểu đường này các cháu phải dùng insulin hằng ngày để giúp cơ thể có mức đường huyết ổn định. Về chế độ ăn, chúng ta cần chú ý: Cháu mới 10 tuổi nên cần tăng trưởng về thể chất (bao gồm: chiều cao, cân nặng) và còn phát triển tốt về trí não nữa. Do đó chúng ta phải hết sức chú ý đến chế độ ăn của cháu. Chúng tôi xin tư vấn với chị và cháu như sau:
Bên cạnh việc chúng ta chích insulin đúng giờ hằng ngày thì ăn đúng giờ cũng là việc quan trọng đầu tiên mà chúng ta cần lưu ý. Cháu 10 tuổi nên cần ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ. Trong 3 bữa chính thì chúng ta có bữa sáng, bữa trưa và chiều tối. Ba bữa này phải cố gắng đúng giờ và đi kèm với liều lượng chích insulin hằng ngày đã được bác sĩ điều trị chỉ định.
Ngoài ra cháu cũng cần có thêm 2 bữa phụ. Nếu cháu đi học việc ăn bữa phụ khó khăn thì chị nên cho cháu ăn bữa phụ giữa chiều và buổi tối trước khi ngủ.
Chúng ta cùng xem xét về bữa ăn của cháu, trong tất cả các bữa ăn của cháu cần phải luôn luôn có các nhóm thực phẩm sinh năng lượng gồm có: chất bột đường, chất béo, chất đạm,…
Bên cạnh đó chúng ta cần sử dụng nhiều rau, trái cây để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất cho cháu. Vì cháu bị tiểu đường cho nên hàm lượng chất bột đường sẽ được cắt giảm đi một phần. Nó cắt đi khoảng 10% so với trẻ bình thường. Nhưng điều khác biệt và quan trọng nhất là chúng ta chọn những chất bột đường chuyển hóa chậm thì mới phù hợp với bệnh trạng của cháu. Điều đó có nghĩa là những chất bột đường chuyển hóa nhanh chúng ta gần như không lựa chọn trong chế độ ăn hằng ngày của cháu như: đường, mật ong, bánh kẹo làm từ đường mía để chế biến, nước ngọt, nước có ga, nước trái cây có đường... Những thực phẩm này tuyệt đối không cho cháu sử dụng.
Các thực phẩm nên cho cháu dùng trong bữa ăn hằng ngày gồm: cơm (nếu ăn được gạo lức càng tốt), mì, nui, bún, bánh mì, bánh ướt,... những thực phẩm có nguồn gốc từ chất bột đường và chuyển hóa chậm, giúp cho cháu ổn định đường huyết và giúp cho cháu có năng lượng nuôi tế bào não và việc học tập sẽ tốt hơn.
Về chất đạm thì chúng ta cũng có thể chọn tất cả những loại chất đạm động vật như những cháu bé bình thường.
Chúng ta sẽ xem xét đến nhóm chất béo. Cháu có thể dùng chất béo động vật (các loại cá béo, mỡ động vật,) hoặc thực vật trong chế độ ăn hằng ngày của cháu. Bên cạnh đó cũng có thể xào nấu, chiên bằng dầu thực vật.
Tóm lại, trong chế độ ăn hằng ngày chúng ta cần lưu ý không lựa chọn những loại thực phẩm nhiều đường tự nhiên. Thứ hai trong bữa ăn của cháu chúng ta luôn chú ý cho cháu ăn kèm với rau. Rau, ngoài việc cung cấp vitamin còn cung cấp chất sơ giúp cho việc kiểm soát đường huyết sau khi ăn sẽ tốt hơn. Khi chọn rau xanh ta chú ý chọn những loại rau có nhiều lá hoặc có màu vàng, đỏ như: bông bí, rau dền,.. Những loại này rất giàu vitamin. Riêng với các loại củ, có chất bột đường, do đó sẽ làm tăng đường huyết sau khi ăn.
Vì vậy chúng ta cũng lưu ý đến cách chế biến. Chế biến thức ăn càng gần tự nhiên càng tốt. Hạn chế băm thật nhỏ, nướng thật kỹ hoặc chiên thật kỹ sẽ làm ức chế quá trình kiểm soát đường huyết nên cũng không tốt cho trẻ.
Cuối cùng chị cần chú ý bé hiện đang 10 tuổi, là tuổi đang tăng trưởng nên thường hay bị đói. Chị chỉ cần lựa chọn những món ăn phù hợp. Vì vậy bữa ăn của bé càng đa dạng, càng nhiều loại thực phẩm thì sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt.
Cuối cùng chúng ta cùng chú ý một điều rất quan trong đối với trẻ 10 tuổi nhưng không may bị tiểu đường type 1 là cách chọn sữa và các sản phẩm của sữa, giàu canxi để giúp cho trẻ tăng trưởng tốt. Khi chúng ta chọn lựa sữa thì ưu tiên lựa chọn các loại sữa dành cho người bị bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó thì chị có thể chọn sữa tươi không có đường hoặc có thể chọn sữa bột đã tách béo (sữa gầy,…). Ngoài ra chúng ta còn chọn sữa chua sẽ giúp cho trẻ đa dạng thêm món ăn.
Một điều tôi muốn chia sẻ với chị và những người không may bị bệnh tiểu đường type 1 là nếu chúng ta đi khám bệnh thường xuyên, cân đối giữa chế độ ăn, vận động và liều thuốc sử dụng (quan trọng là insulin) thì trẻ sẽ vẫn đạt được chiều cao như những đứa trẻ bình thường. Cháu cũng hoàn toàn có thể làm bác sĩ, luật sư, thầy cô giáo,...
Chúng ta cũng có rất nhiều vận động viên nổi tiếng (bơi lội, bóng đá,...) bị đái tháo đường type 1. Vì vậy chúng ta hãy nên yên tâm và tìm hiểu thêm về bệnh đái tháo đường type 1 để chăm sóc cháu tốt hơn.