Tại hội chợ, có rất nhiều nông dân lần đầu tiên trực tiếp đem sản phẩm của mình làm ra tới hội chợ quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp. Gian hàng của những người nông dân cũng thiết kế đơn giản, không cầu kỳ, mang lại cảm giác thật gần gũi.
Chị Trịnh Bích Thúy (cửa hàng số 27, Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM) hiện đang là giảng viên báo chí, cho biết: “Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, mình quyết định góp phần bé nhỏ bằng việc xây dựng trang trại rau hữu cơ tự nhiên, lấy tên là “Ông bà cháu””. Vượt qua mọi khó khăn, đến nay trang trại của chị đã đưa được sản phẩm sạch đến tay khá nhiều người tiêu dùng.
Chị Thúy chia sẻ việc đầu tư trồng rau sạch xuất phát từ chính nhu cầu trong gia đình. “Khi mình trồng giá đỗ sạch, rau sạch cho gia đình ăn thì cảm thấy rất ngon và đảm bảo. Ra chợ tìm mua những loại rau như này rất khó. Rau sạch, giá đỗ sạch mình làm ra khách đặt hàng cả năm, mỗi tuần mình đều giao hàng tới tận tay khách”.
Chị Trịnh Bích Thúy tại gian hàng của mình.
Khi được mời tham gia hội chợ, dù bận rộn với công việc giảng dạy ở trường thế nhưng chị Thúy vẫn đích thân đem sản phẩm của mình đến để có cơ hội giới thiệu những thực phẩm sạch được sản xuất hữu cơ tự nhiên tới khách hàng. Chị cho rằng đến với hội chợ nông sản lần này sẽ tạo cơ hội gặp gỡ giữa các hộ nông dân giỏi với nhau, đồng thời có thêm nhiều động lực để phát triển mô hình trồng trọt cũng như niềm đam mê của mình.
Còn ông Hoàng Hồng Giang (Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng) cũng đã không ngại đường xa để đại diện cho các hộ nông dân Lâm Đồng tới tham gia hội chợ nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm gạo nếp Quýt Đạ Tẻh đến với mọi người.
Ông chia sẻ: "Đến với hội chợ, mục tiêu thứ nhất là chúng tôi mong muốn là giới thiệu sản phẩm, thứ hai là giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao thu nhập cũng như giá trị sản phẩm cho người nông dân. Đặc biệt, chúng tôi luôn mong người tiêu dùng tiếp cận được những thông tin về sản phẩm sạch và sử dụng những sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe tốt hơn".
Gian hàng giới thiệu sản phẩm nước bồ kết gội đầu.
Gần đó là gian hàng sản xuất cốm gạo lức của bà Trần Thị Thu Hải (chủ doanh nghiệp Hai Food, TP.HCM). Cốm gạo lức được sản xuất bằng máy ép nổ tại chỗ để khách hàng có thể thấy rõ ngoài gạo, sản phẩm không hề thêm đường, dầu hay hóa chất tạo màu, tạo hương. “Cốm gạo lức này được làm trực tiếp từ lúa mùa trồng sáu tháng mới thu hoạch, không hề có chút hóa chất nào vì tôi luôn đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên đầu tiên. Nguyên liệu sạch, công nghệ tốt thì chắc chắn sản phẩm sẽ tốt, sức khỏe người tiêu dùng sẽ được đảm bảo", bà Hải khẳng định.
Gần đó là gian hàng nước bồ kết của Công ty An Nhiên. Anh Nguyễn Phúc Thái, phụ trách gian hàng, cho hay với sản phẩm này, công ty mong muốn sẽ đưa tới tay người tiêu dùng một sản phẩm tự nhiên, thuần Việt, an toàn. "Để có được sản phẩm, trái bồ kết phải được nướng với nhiệt độ vừa phải, sau đó nghiền nhỏ bỏ vào túi lọc nấu 8-10 giờ để cô đặc. Khi dùng chỉ cần pha loãng với nước là sử dụng được ngay", anh Thái giới thiệu
Bà Nguyễn Thị Hoàng (TP.HCM), người đến mua sản phẩm dầu gội bồ kết tại gian hàng của anh Thái, tâm sự: "Nước bồ kết là sản phẩm từ thiên nhiên, không có hóa chất mà lại rất hiệu quả. Tôi đã dùng và thấy tốt nên hôm nay tiếp tục mua nữa. Mong rằng ngày càng có nhiều người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt Nam chất lượng cao vì giá thành vừa phải mà lại an toàn".