Điều 101 dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định về các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội
Theo đó, người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm: 1. Cảnh cáo; 2. Phạt tiền; 3. Cải tạo không giam giữ; 4. Tù có thời hạn.
Theo tôi, cần bỏ đi hình phạt cảnh cáo, bởi lẽ nhà làm luật đã quy định các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi và chuyển sang áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục, tức đã quy định ngưỡng phải chịu hình phạt đối với đối tượng này.
Khi người chưa thành niên phạm tội và không thỏa các điều kiện được miễn trách nhiệm hình sự thì phải chịu hình phạt. Điều này bảo đảm sự răn đe cần thiết trong bối cảnh hình phạt của người dưới 18 tuổi phạm tội về nguyên tắc xử lý đã thấp hơn nhiều so với hình phạt cho người đủ 18 tuổi. Việc xử lý cũng cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách thể bị xâm hại; có sự cân bằng giữa tính răn đe, trừng trị và tính giáo dục, giúp đỡ.
Các hình phạt như phạt tiền, cải tạo không giam giữ là cần thiết đồng thời với hình phạt tù có thời hạn. Bởi nếu chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn và chuyển các trường hợp còn lại sang áp dụng các biện pháp tư pháp thì có thể phát sinh hai vấn đề:
Thứ nhất, không thể phân hóa hình phạt trên cơ sở tính chất, hành vi, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, vì chỉ còn một hình thức là tù có thời hạn.
Thứ hai, các biện pháp tư pháp nhẹ hơn hình phạt, không đảm bảo tính răn đe. Từ đó, gián tiếp làm gia tăng tỉ lệ tội phạm vị thành niên khi việc xử lý hình sự nhóm đối tượng này không đủ độ mạnh cần thiết, đặt trong tình hình hiện tại tội phạm đang ngày càng trẻ hóa.
Về cơ bản, việc áp dụng biện pháp xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải luôn đảm bảo nguyên tắc không quá nặng nề, đề cao quá mức sự răn đe, trừng trị gây ra sự phản kháng không đáng có đối với nhóm đối tượng này, nhưng cũng không được quá nhẹ dẫn đến xử lý không hiệu quả, tạo tâm lý coi thường pháp luật.