Người chưa thành niên là đối tượng dễ bị tổn thương do chưa có sự phát triển đầy đủ về thể chất cũng như nhận thức.
Do vậy, quyết định hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là một nội dung cần được nghiên cứu thận trọng sao cho vừa đảm bảo được tính công minh của pháp luật, vừa bảo đảm được quyền lợi của người chưa thành niên trong hoạt động tư pháp.
Tránh những tác động tiêu cực
Nhằm giúp người chưa thành niên phạm tội tránh được những tác động tiêu cực do các thủ tục tư pháp hình sự truyền thống mang lại, tôi kiến nghị Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một loại hình phạt là tù có thời hạn (bãi bỏ ba hình phạt gồm cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ); các trường hợp không phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Người chưa thành niên có đặc thù là chủ thể có sự phát triển chưa đầy đủ, toàn diện về thể chất và nhận thức. Đây là những chủ thể cần phải được quan tâm, bảo vệ.
Do đó, thay vì áp dụng các hình phạt mang tính trừng phạt như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ đối với những hành vi chưa đến mức phải cách ly họ khỏi xã hội sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của trẻ, đồng thời không đem lại nhiều giá trị trong việc giáo dục nhóm đối tượng này.
Song song đó, nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết người chưa thành niên khi tham gia vào quy trình tố tụng tư pháp hình sự phức tạp đều cảm thấy lo sợ, dễ bị tổn thương, bị tác động tiêu cực.
Vì lẽ đó, ghi nhận cơ chế xử lý đặc thù đối với nhóm chủ thể này sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của họ, thể hiện rõ nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự cũng như tạo cơ sở cho nhóm đối tượng này thay đổi nhận thức và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Người chưa thành niên phạm tội chỉ nên bị áp dụng một loại hình phạt là tù có thời hạn; trường hợp không áp dụng tù có thời hạn thì áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
ThS NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC
Đặc biệt, những hành vi phạm tội của họ chưa đến mức phải chịu hình phạt tù có thời hạn, tức là họ chỉ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền hay cải tạo không giam giữ - những hình phạt không tước đi sự tự do thân thể của người dưới 18 tuổi phạm tội.
Dù pháp luật có quy định người từ đủ 15 tuổi đã có khả năng lao động tạo thu nhập và cũng có quyền có tài sản riêng, song phần lớn người trong độ tuổi này đang trong độ tuổi học tập, khả năng tạo thu nhập chưa cao do sự giới hạn về công việc khi tham gia vào quan hệ lao động cũng như trình độ văn hoá, chuyên môn và điều kiện về sức khoẻ của nhóm chủ thể này còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc áp dụng hình phạt tiền cũng chưa thực sự khả thi.
Hình phạt ít nghiêm khắc nhất
Hình phạt cảnh cáo, phạt tiền hay cải tạo không giam giữ có đặc điểm chung là không tước đi sự tự do thân thể của người phạm tội. Tuỳ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, người chưa thành niên phạm tội phải gánh chịu những hình phạt tương thích.
Trong đó, cảnh cáo là hình phạt ít nghiêm khắc nhất. Theo Điều 34 BLHS, cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Khác với 3 hình phạt còn lại, nhà làm luật không dành một điều luật riêng khi bàn về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đối với loại hình phạt cảnh cáo. Như vậy, đối với loại hình phạt này, quy định chung về hình phạt trong BLHS cũng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Áp dụng các biện pháp xử lý nằm ngoài thủ tục tố tụng
Xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định của BLHS năm 2015 vẫn còn những hạn chế cả trong quy định và thực tiễn áp dụng nên cần tiếp tục nghiên cứu để nâng cao hiệu quả của chế định này..
Do đó, việc ghi nhận một đạo luật riêng điều chỉnh vấn đề này bằng những quy định riêng biệt, đặc thù là giải pháp pháp lý phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên của nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu đã có quy định cụ thể về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội trong các luật riêng về tư pháp người chưa thành niên như Luật Xây dựng hệ thống tư pháp và phúc lợi người chưa thành niên của nước Cộng hoà Philippines, Bộ luật Tư pháp Thanh thiếu niên Kosovo…
Bên cạnh đó, pháp luật Canada, bang Georgia (Hoa Kỳ) và pháp luật Cộng hoà Liên bang Đức cũng đã có các quy định đa dạng, phong phú về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội và cả ba quốc gia này đã đạt được những thành công nhất định trong thực tiễn xử lý người chưa thành niên phạm tội.
Như vậy, để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế cũng như đưa hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam gần gũi, tiệm cận với pháp luật của các nước trên thế giới, việc ghi nhận cụ thể, rõ nét việc xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội nói riêng và việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên là việc làm cần thiết.
Cơ chế riêng điều chỉnh về hình phạt
Theo khoản 3 Điều 40 Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 thì các quốc gia thành viên phải tìm cách thúc đẩy việc thiết lập những đạo luật, thủ tục, các cơ quan và thể chế áp dụng riêng cho những trẻ em bị tình nghi, bị cáo buộc hay bị xác nhận là đã vi phạm luật hình sự, và cụ thể là:
Xác định độ tuổi tối thiểu mà dưới độ tuổi đó trẻ em sẽ được coi là không có khả năng vi phạm luật hình sự; và bất kỳ khi nào thấy thích hợp và cần thiết cần đề ra các biện pháp xử lý những trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp, miễn là các quyền con người và những bảo vệ pháp lý được tôn trọng đầy đủ.
Cần lưu ý rằng, trong phạm vi Công ước, trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó có quy định tuổi thành niên sớm hơn (Điều 1).
Việc ghi nhận xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội phù hợp với tinh thần mà Công ước đề ra, và Việt Nam là thành viên của Công ước nên việc chú trọng đến việc ghi nhận cơ chế riêng điều chỉnh về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là điều có tính tất yếu.