TAND TP.HCM góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

(PLO)- Các chuyên gia đều cho rằng nên quy định hình phạt tù có thời hạn là hình phạt duy nhất đối với người chưa thành niên phạm tội...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-1, TAND TP.HCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đây là dự thảo Luật mới mà TAND là cơ quan chủ trì soạn thảo và đang tiến hành lấy ý kiến góp ý. Luật này sẽ tác động trực tiếp đối với người chưa thành niên phạm tội, các hình phạt và biện pháp tố tụng đối với người chưa thành niên.

người chưa thành niên
Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Có nên cảnh cáo, phạt tiền người chưa thành niên?

Theo đó, hiện nay đang có hai phương án về loại hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên. Thứ nhất là giữ nguyên các loại hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên theo quy định của pháp luật hiện hành, gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Tù có thời hạn. Để có sự đa dạng các hình phạt thì Tòa án có sự cân nhắc, lựa chọn để áp dụng hình phạt phù hợp với từng người chưa thành niên khi họ không đủ điều kiện được chuyển hướng.

Quan điểm thứ hai là chỉ nên quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt là tù có thời hạn. Các trường hợp không phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH).

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết nên quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt là tù có thời hạn. Các trường hợp không phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì áp dụng biện pháp XLCH. Bởi vì đối với người dưới 18 tuổi nhận thức pháp luật còn chưa cao, do vậy khi những đối tượng này thực hiện hành vi trái pháp luật nếu chưa đến mức áp dụng hình phạt tù thì áp dụng biện pháp XLCH để thấy được tính nhân văn, nhận thức được hành vi sai trái của mình, mục đích là giáo dục và tạo cơ hội để sửa sai.

luat-su-tran-thi-ngoc-nu.JPG
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng nên quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt là tù có thời hạn. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Theo luật sư Nữ, hình phạt cảnh cáo hay phạt tiền không phù hợp với tâm sinh lý và mục đích giáo dục. Trên thực tế đa số người dưới 18 tuổi đều không có tài sản riêng, việc đóng tiền để nộp phạt không có tác dụng cao trong để người chưa thành niên nhận thức đầy đủ về lỗi lầm của mình.

PGS-TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Phó Trưởng khoa Hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết hiện nay có bốn loại hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội tuy nhiên trong đó đã có ba loại hình phạt có tính chất tương tự giống như các biện pháp XLCH. Ví dụ hình phạt cảnh cáo tương tự biện pháp XLCH khiển trách; cải tạo không giam giữ giống như biện pháp XLCH giáo dục tại xã phường thị trấn. Do đó, chỉ nên giữ lại hình phạt duy nhất là tù có thời hạn, các trường hợp còn lại áp dụng biện pháp XLCH cho phù hợp.

TS Duy cũng cho biết trong số 11 biện pháp XLCH thì biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng nên được giữ nguyên đây là biện pháp tư pháp và không nên đưa vào là biện pháp XLCH vì xét về bản chất mặc dù khác hình phạt tù có thời hạn nhưng theo thực tế và theo pháp luật quốc tế đây vẫn là một biện pháp tước tự do của người chưa thành niên. Trong bình luận chung số 24 của Uỷ ban Quyền trẻ em đã nhấn mạnh “các biện pháp XLCH không nên bao gồm việc tước tự do”.

Bà Ung Thị Xuân Hương (Phó Chủ tịch hội Luật gia TP.HCM, nguyên Chánh án TAND TP) cũng đồng tình với phương án chỉ nên quy định hình phạt tù có thời hạn là hình phạt duy nhất áp dụng đối với người chưa thành niên.

Bà Hương cũng góp ý nên cân nhắc lại biện pháp XLCH bồi thường thiệt hại vì rất ít trường hợp người chưa thành niên có tài sản riêng, điều này dẫn đến sự không công bằng, nhiều trường hợp gia đình có điều kiện thì sẽ được áp dụng biện pháp XLCH này.

Nên đưa người chưa thành ra khỏi quy trình tố tụng càng sớm càng tốt

Một vấn đề mà được nhiều chuyên gia góp ý đó là thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp XLCH và thời điểm gửi văn bản đề nghị Toà áp dụng.

Theo đó, đa số ý kiến đều thống nhất nên giao cho Toà án sẽ là cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp XLCH theo đề nghị của cơ quan điều tra, VKS.

Về thời điểm đề nghị áp dụng biện pháp XLCH, theo PGS-TS Lê Huỳnh Tấn Duy nên quy định khi chưa ra kết luận điều tra hoặc cáo trạng mà cơ quan điều tra, VKS thấy có đủ căn cứ để áp dụng biện pháp XLCH thì làm văn bản đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp XLCH vì thực tế pháp luật quốc tế cho thấy nếu đưa người chưa thành niên bị buộc tội vào các quy trình tố tụng càng lâu thì hậu quả cần xử lý càng nặng nề cho nên cần đưa những người này ra khỏi quy trình tố tụng càng sớm càng tốt.

le-huynh-tan-duy.JPG
PGS TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Phó trưởng khoa Hình sự, Đại học Luật TP.HCM cho biết cần đưa người chưa thành niên ra khỏi quy trình tố tụng càng sớm càng tốt. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Đồng quan điểm vấn đề này, Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu, Phó Phòng 2 VKSND TP.HCM, đề xuất tại thời điểm khi cơ quan điều tra đề nghị phê chuẩn khởi tố bị can thì ngay lúc này VKS sẽ xác định có áp dụng XLCH hay không, nếu đủ điều kiện áp dụng XLCH thì lập văn bản đề nghị Toà xem xét quyết định. Nếu đợi đến khi khi ban hành kết luận điều tra hoặc ban hành cáo trạng truy tố thì đã đưa người chưa thành niên vào quy trình tố tụng, khi đó sẽ trải qua một thời gian dài để xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm