Chiều 5-10, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về “xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (xây dựng-chuyển giao)”.
Khoảng trống pháp lý
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Bộ Tài chính đã trình dự thảo nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT.
Dự thảo này đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ ban hành nghị định. Tuy nhiên, đến nay nghị định vẫn chỉ là... dự thảo.
Tại nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2018, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát cụ thể, đánh giá việc thực hiện theo hình thức BT trong thời gian qua. Trên cơ sở đó nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách có liên quan, đặc biệt là khâu lựa chọn nhà đầu tư và khâu giao đất, cho thuê đất..., bảo đảm tránh thất thu cho ngân sách nhà nước và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.
Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo nghị định này. Nguyên tắc đặt ra là: Bảo đảm đấu thầu hoặc đấu giá công khai, minh bạch; sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho các dự án BT theo quy định của Luật Đất đai, trong đó việc xác định giá trị đất phải thông qua hội đồng thẩm định.
Chính phủ cũng nói rõ: Trong thời gian nghị định này chưa được ban hành và chưa có hiệu lực thi hành, giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý khoảng trống pháp lý kể từ ngày Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực để không làm ảnh hưởng đến các dự án đang triển khai, đặc biệt là các dự án BT đã ký kết hợp đồng.
Đại lộ Phạm Văn Đồng là một trong các dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức BT tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục phó Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cho hay: Để xử lý khoảng trống pháp lý kể từ ngày Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1-1-2018 cho đến khi nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT xây dựng-chuyển giao có hiệu lực thi hành”.
Liên quan nhiều luật
Trả lời câu hỏi của báo chí vì sao nghị định này chậm được ban hành, ông Thịnh nhận định: Dự thảo nghị định về vấn đề này là một nghị định khó, liên quan đến nhiều luật khác nhau như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai…
“Đặc biệt là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho các nhà đầu tư BT, bảo đảm theo giá thị trường, tránh thất thoát lãng phí. Vì vậy Chính phủ thận trọng, yêu cầu hoàn thiện thêm trước khi ban hành” - ông Thịnh giải thích.
Trong khi chờ nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT, ngày 24-9, Bộ Tài chính đã gửi công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý khoảng trống pháp lý này với nguyên tắc đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, thanh toán cho các dự án BT đang triển khai theo đúng quy định của pháp luật về thanh toán dự án BT từng thời kỳ. |
Một trong những vấn đề được đặt ra, đó là khoảng trống pháp lý thực sự là gì? Ông Thịnh nói đó là việc luật sử dụng, quản lý tài sản công “chưa có quy định ai là người sử dụng tài sản công để thanh toán”. Bởi vậy, trong công văn báo cáo Thủ tướng mới đây, Bộ Tài chính đề ra giải pháp là: Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về việc thanh toán cho các dự án BT, đảm bảo nguyên tắc “không làm ảnh hưởng các dự án đang triển khai, đặc biệt các dự án đã ký kết hợp đồng BT”.
“Mục tiêu là tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư trong thời gian Chính phủ chưa ban hành quy định chi tiết” - ông Thịnh nói.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đưa ra giải pháp và hướng dẫn xác định giá trị tài sản thanh toán cho các nhà đầu tư. “Theo đó, về thanh toán tài sản công cho các nhà đầu tư phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị tài sản thanh toán áp dụng theo giá thị trường, áp dụng phương pháp xác định giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai” - ông Thịnh nói.
Lãi phát sinh ai chịu? “Ngày 24-9, trong hội nghị trực tuyến giữa Bộ KH&ĐT với các địa phương, TP.HCM và Hà Nội đều nêu ra việc tạm dừng sử dụng tài sản công để thanh toán cho các dự án BT và đề nghị Bộ KH&ĐT có ý kiến với Bộ Tài chính để tháo gỡ. Vì nếu thanh toán chậm, chủ đầu tư sẽ tính lãi theo ngày” - Pháp Luật TP.HCM nêu vấn đề. Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục phó Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cho hay: Về vấn đề tiền lãi phát sinh sẽ tính vào giá thành của dự án BT. Báo chí cũng nêu các dự án BT đại đa số là chỉ định thầu; rồi tình trạng không tính đúng, tính đủ nên có nhiều “đại gia phất lên nhờ chênh lệch địa tô”, làm thất thoát ngân sách. Nghị định mới liệu có bịt được lỗ hổng này? Ông Thịnh cho rằng trong phương án tháo gỡ khó khăn, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết về vấn đề này ngay trong tháng 10. Cũng có ý kiến cho rằng nên chấm dứt BT tại các nơi có điều kiện thuận lợi, chỉ khuyến khích BT ở những nơi khó khăn. Ông Thịnh cho rằng: Vấn đề này phụ thuộc vào quy định pháp luật về đầu tư. |