được nhiều chuyên gia chỉ rõ, cảnh báo nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế nào hữu hiệu để kiểm soát, hạn chế nguồn lực đất đai rơi vào tay tư nhân.
Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu tạm dừng sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1-1-2018, đợi khi có nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành. Đây là động thái để tương thích với Luật Quản lý sử dụng tài sản công (đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2018).
Thực ra, trước 1-2018 nhiều tháng, một số địa phương đã thấy “có vấn đề” trong các dự án BT nên chủ động ngưng đàm phán, thảo luận các dự án BT, đợi có quy trình chuẩn rồi tính tiếp.
Dự án BT thực chất là đổi đất lấy hạ tầng và đây là chủ trương đúng, bởi nó huy động được các nguồn lực cho các địa phương phát triển hạ tầng vì ngân sách không thể kham nổi. Chủ trương này được cụ thể hóa trong các nghị định (108/2009; 24/2011) và các thông tư, quyết định liên quan (Thông tư 03/2009; Thông tư 03/2011; Quyết định 23/2015 TTg)…
Trong các văn bản nêu trên, Nhà nước quy định rất rõ trình tự, thủ tục, đấu thầu, chỉ định thầu, định giá đất… Tuy nhiên, khi thực hiện, hàng loạt dự án từ Bắc chí Nam đã thực hiện không đúng. Những dự án lẽ ra phải đấu thầu thì cơ quan chức năng chỉ định; việc định giá khu đất giao cho nhà đầu tư thấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với giá thị trường. Còn dự án mà nhà đầu tư sẽ làm có giá thành cao chót vót.
Và các dự án BT đã thực hiện đều đúng quy trình, quy định nhưng cái bất hợp lý thì cứ sờ sờ ra đấy bởi nó thiếu cơ chế giám sát, thiếu minh bạch.
Không đề cập yếu tố lợi ích nhóm, đi đêm, tham nhũng trong các dự án BT vì khả năng các địa phương nóng lòng muốn có cơ sở hạ tầng cho “bằng chị bằng em”, thúc đẩy kinh tế-xã hội tại địa phương phát triển nên họ “vận dụng” linh hoạt các quy định để doanh nghiệp chịu đầu tư.
Ngược lại, doanh nghiệp thì luôn muốn tối đa lợi nhuận nên họ sẽ tìm đủ mọi cách, thậm chí bắt chẹt để thâu tóm đất vàng với vốn bỏ ra càng ít càng tốt và nguồn lực đất đai rơi vào tay tư nhân.
Nhiều nghiên cứu của các tổ chức quốc tế đã chỉ ra nguy cơ tham nhũng rất cao trong việc chỉ định thầu để thực hiện các dự án BT tại Việt Nam. Trong đó, Nhà nước bị thiệt rất lớn vì các thiết chế giám sát chưa hữu hiệu.
Mong rằng trong nghị định mới, Chính phủ sẽ đưa Kiểm toán Nhà nước vào thành phần thẩm định tất cả dự án BT kèm các quy định công khai, minh bạch để hạn chế được việc thất thoát nguồn lực quốc gia.