Chi hàng ngàn tỉ đồng cứu nguồn nước ở Sài Gòn

Sau Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, trong tương lai không xa các tuyến kênh Hàng Bàng (quận 6), Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (quận Gò Vấp, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân) hay rạch Xuyên Tâm (Bình Thạnh, Gò Vấp)… cũng sẽ được cải tạo. Tuy nhiên, để nguồn nước sông, kênh, rạch thật sự trở nên trong xanh, TP.HCM cần phải xây hơn 10 nhà máy xử lý nước thải (XLNT).

Cần cả tỉ USD

Rác rến ngập ngụa khắp nơi, dòng nước đen sì hôi thối là nỗi ám ảnh nhiều năm qua với những người dân sống ven tuyến kênh 19-5 (quận Tân Bình, Tân Phú). Đây là một trong rất nhiều dòng kênh ô nhiễm nặng ở lưu vực Tây Sài Gòn. “Khi trời nắng, mùi hôi bốc lên từ kênh khiến mọi người không thở nổi. Ruồi muỗi thì dày đặc quanh năm suốt tháng. Nhiều khi ăn cơm phải ngồi trong mùng” - bà Trinh Vân, nhà sát kênh 19-5 phía quận Tân Bình, than thở.

Theo Trung tâm Chống ngập, lưu vực Tây Sài Gòn bao gồm một phần các quận Gò Vấp, 12, Tân Bình và Tân Phú với diện tích 2.550 ha. Dự báo đến năm 2025, dân số sống trong lưu vực vào khoảng 550.000 người. Để giải quyết ô nhiễm cho lưu vực này, ngay từ bây giờ cần đầu tư xây dựng nhà máy XLNT có công suất 150.000 m3/ngày đêm. Vị trí nhà máy dự kiến tại phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú (gần kênh 19-5 và đường Lê Trọng Tấn). “Chỉ tính riêng phần nhà máy, tổng mức đầu tư theo đơn giá tính toán từ năm 2010 đã hơn 1.685 tỉ đồng (hơn 80 triệu USD)” - một cán bộ Sở GTVT TP thông tin.

Nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn còn nguy cơ tái ô nhiễm do chưa được xử lý triệt để. Ảnh: T.THANH

Tương tự, hiện nhiều tuyến kênh rạch ở phía Bắc Sài Gòn cũng bị ô nhiễm. Dự báo tới năm 2020, dân số trên lưu vực này khoảng 550.000 người, lưu lượng nước thải gần 127.000 m3/ngày. Để xử lý nguồn nước ô nhiễm này, TP dự kiến xây dựng Nhà máy XLNT Bắc Sài Gòn 1 có diện tích 2.324 ha tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức với tổng mức đầu tư 265 triệu USD.

Khánh thành vào dịp 30-4, công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã giúp cải thiện không gian sống cho hàng triệu người dân. Song để nguồn nước kênh trong xanh trở lại vẫn cần phải xây dựng nhà máy XLNT cho lưu vực này. Đây là dự án được TP xếp vào danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư. Nhà máy dự kiến đặt tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD.

Kênh rạch trong xanh, sông mới sạch

Sở TN&MT TP cho biết theo báo cáo mới nhất (ngày 27-4) của Trung tâm Chống ngập, hiện TP chỉ mới có một nhà máy XLNT quy mô lớn đang hoạt động là Nhà máy XLNT Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Với công suất 141.000 m3/ngày, nhà máy này chỉ mới thu gom và xử lý khoảng 6% lưu lượng nước thải của TP. Để tăng công suất lên 469.000 m3/ngày đêm, vào đầu tháng 2-2015, nhà máy Bình Hưng đã khởi công giai đoạn 2 với chi phí đầu tư dự kiến lên đến 128 triệu USD.

Cũng theo Sở TN&MT, sau một thời gian thau rửa, hiện nguồn nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã bớt ô nhiễm nhưng vẫn cần thiết phải có nhà máy XLNT. Một cán bộ Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TP thông tin: “Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục mời thầu cho gói thầu chính để nhà máy có thể khởi công vào quý II-2015. Chi phí đầu tư giai đoạn 1 khoảng 478 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới”. Dự kiến nhà máy XLNT cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè được xây tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Trong giai đoạn 1, nhà máy có công suất xử lý 480.000 m3/ngày, giai đoạn 2 sẽ nâng lên 830.000 m3/ngày. Để đưa nước về nhà máy cũng cần phải xây tuyến cống bao chính dài 8 km, hệ thống thu gom chính tại quận 2.

“Cùng với nhà máy Bình Hưng, khi nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi vào hoạt động thì chất lượng nguồn nước kênh rạch ở các quận trung tâm TP sẽ được cải thiện đáng kể. Tới lúc các nhà máy khác như Tham Lương - Bến Cát, Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn… vận hành, nguồn nước thải sinh hoạt ở nhiều lưu vực của TP sẽ được thu gom xử lý. Khi đó kênh, rạch, sông suối mới có thể trong xanh trở lại” - ông Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP, nói.

Sau nhiều năm gián đoạn do vướng mặt bằng, ngày 26-4, Nhà máy XLNT Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (tại phường An Phú Đông, quận 12) cũng đã khởi công giai đoạn 1. Dự kiến công trình hoàn thành sau 19 tháng thi công. Với công suất xử lý 131.000 m3/ngày, nhà máy có nhiệm vụ trả lại nguồn nước sạch cho lưu vực Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và sông Vàm Thuật.

_________________________________

Theo quy hoạch, TP có 11 nhà máy XLNT và hiện đang ưu tiên thực hiện trước dự án ở những lưu vực đông dân cư như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tham Lương - Bến Cát…

Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM

Với 11 nhà máy, TP cũng chưa xử lý hết lưu lượng nước thải xả ra. Do đó cần phải có thêm những giải pháp nhằm thu gom và xử lý triệt để nguồn nước thải đô thị. Ngoài ra cần có quy định bắt buộc các khu đô thị, khu dân cư mới phải có trạm XLNT hay hồ lắng lọc.

ThS Hồ Long Phi, Viện trưởng Viện Quản lý Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm