Đó là thông tin tại Hội thảo công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2018 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng 8-1, tại Hà Nội.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, trong thời kỳ hội nhập kinh tế, việc đảm bảo thông suốt các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu là đòn bẩy, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tăng cơ hội cạnh tranh.
Năm 2018, VCCI phối hợp với Tổng cục Hải quan, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức khảo sát ý kiến mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tham gia cuộc khảo sát có 3.061 doanh nghiệp, trong đó 46% từ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, 33% thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 17% từ các doanh nghiệp nhà nước.
Kết quả cho thấy các doanh nghiệp đánh giá chi phí, trong đó có chi phí ngoài quy định (thường được gọi là phí bôi trơn) luôn là gánh nặng của doanh nghiệp Việt Nam.
Hình ảnh tại buổi hội thảo
52% doanh nghiệp cho biết không bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí ngoài quy định; 34% doanh nghiệp không biết có bị phân biệt đối xử hay không; chỉ có 15% doanh nghiệp cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí ngoài quy định (năm 2015 là 31%).
Trong số các doanh nghiệp nhận thấy bị phân biệt đối xử, hình thức phổ biến nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục (93%). 69% phản hồi cho rằng doanh nghiệp có thể bị gây khó khăn trong lần làm thủ tục sau. Các hình thức phân biệt khác bao gồm yêu cầu giấy tờ, chứng từ không theo quy định (48%) và thái độ không văn minh lịch sự (41%).
Khảo sát năm 2018 tiếp tục thu thập đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương của cán bộ, công chức hải quan. Năm tiêu chí được sử dụng để đánh giá là: văn minh, lịch sự; thực hiện đúng thẩm quyền; công tâm, tận tụy; coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác; và nhanh chóng, chính xác khi giải quyết công việc.
Phần lớn ý kiến đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương và tác phong làm việc của công chức ở mức bình thường, dao động từ 51% đến 56% ở cả năm tiêu chí.
Tỷ lệ DN đánh giá mức độ thuận lợi khi thực hiện là thủ tục nộp thuế trong thông quan là 50% (cao gấp đôi năm 2015); kiểm tra hồ sơ trong thủ tục thông quan là 25% (năm 2015 chỉ 10%).
Các đánh giá tích cực của năm 2018 tăng gấp đôi so với 2015 là sự thay đổi rất lớn của ngành, tuy nhiên không gian cải cách vẫn còn nhiều.
“Cơ quan Hải quan cần nỗ lực nhiều hơn trong một số lĩnh vực như hoàn thuế và không thu thuế, kiểm tra sau thông quan... vì doanh nghiệp vẫn còn thấy là khó khăn. Các khó khăn thường thấy với doanh nghiệp là quy định hay thay đổi. Vẫn còn một bộ phận DN phản ánh họ được yêu cầu nộp thêm giấy tờ ngoài quy định”, ông Tuấn cho hay.