Với người bệnh đái tháo đường, mục tiêu điều trị là duy trì đường huyết ổn định trong ngưỡng cho phép để hạn chế biến chứng, đồng thời đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng để có sức khỏe tốt, duy trì sinh hoạt, học tập và làm việc bình thường. Để đạt được mục tiêu ấy, ngoài việc tuân thủ điều trị của bác sĩ, dinh dưỡng đúng đóng vai trò vô cùng quan trọng, người bệnh cần biết cách chọn lựa thực phẩm khoa học, phối hợp một cách hợp lý, giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.
Chỉ số GI là gì?
Các loại thực phẩm có chứa glucid, khi ăn vào cơ thể đều có khả năng làm tăng đường huyết, tuy nhiên có loại gây tăng nhiều và nhanh sau khi ăn, có loại gây tăng đường huyết chậm hơn.
Ðể biết khả năng làm tăng đường huyết nhanh hay chậm của một thực phẩm, người ta dùng khái niệm chỉ số đường huyết, còn gọi là chỉ số GI (Glycemic Index). Thực phẩm nào có chỉ số GI càng cao tức thực phẩm đó được tiêu hóa, hấp thu nhanh và sẽ làm tăng đường huyết nhanh; ngược lại các thực phẩm có GI thấp sẽ được hấp thu chậm và làm tăng đường huyết chậm.
Chỉ số GI của một số thực phẩm
Lấy đường glucose với GI chuẩn là 100, người ta xếp một số thức ăn thông thường theo chỉ số đường huyết GI thành ba nhóm:
- Nhóm thực phẩm có GI thấp (≤ 55): Bún tươi, bánh ướt, cơm gạo tấm…, các loại đậu trắng, đậu nành, đậu phộng, cà rốt, trái cây ít ngọt như nho, táo, bưởi, ổi… sữa dành cho người tiểu đường…
- Nhóm thực phẩm có GI trung bình (56-69): Cơm gạo lứt nấu ít nước hoặc nấu vừa nước (tỉ lệ gạo/nước = 1/1 hoặc 1/1.5), khoai tây nướng, dứa, mì sợi, cam, sữa chua…
- Nhóm thực phẩm có GI cao (≥ 70): Các loại cơm gạo trắng, các loại xôi, cơm gạo lứt nấu nhiều nước (gạo/nước = 1/2), mạch nha, mật ong, nước mía, chuối, bánh ngọt, nước ngọt, bánh mì trắng, bánh bột gạo trắng…
Chọn lựa thực phẩm giúp ổn định đường huyết
Người bệnh đái tháo đường cần cân nhắc khi chọn lựa thực phẩm cũng như cách chế biến để giúp ổn định đường huyết lâu dài. Nên ăn nhiều thực phẩm có GI thấp, ăn ít các thực phẩm có GI trung bình và hạn chế tối đa thực phẩm có chỉ số GI cao, trường hợp sử dụng các thức ăn có GI cao như cơm gạo là món ăn phổ biến thì nên có sự kết hợp với các loại thực phẩm để giảm sức tải đường huyết như rau củ quả, nấu cơm với lượng nước vừa, giúp làm chậm hấp thu đường, hạn chế tăng đường máu nhanh sau ăn, nên sử dụng gạo chưa xay xát kỹ. Việc ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm hợp lý vừa giúp cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng, đồng thời giúp duy trì mức đường huyết ổn định lâu dài phòng tránh biến chứng do đái tháo đường.