Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng tăng 4,19%

Ngày 13-7, theo cổng thông tin Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), trong sáu tháng đầu năm mặt bằng giá cả có diễn biến tăng giảm. Đơn cử như tăng cao vào tháng 1 và xu hướng giảm ở các tháng tiếp theo; tháng 5-6 dần hồi phục trở lại mức bình thường. 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy CPI tháng 6 tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu từ các yếu tố cung cầu thay đổi trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Từ đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáu tháng đầu năm chỉ tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước. 

Xét theo cơ cấu nhóm hàng có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng. Trong đó gồm nhóm giao thông tăng cao nhất 6,05%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,19%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%...

Có ba nhóm hàng có chỉ số giá giảm là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch. Riêng nhóm may mặc, mũ nón và giày dép ổn định.

Heo hơi Thái Lan nhập về vẫn chưa làm giá bán lẻ giảm nhiệt

Nguyên nhân khiến CPI tháng sáu tăng do giá xăng, dầu điều chỉnh tăng vào ngày 28-5 và 12-6. Bình quân giá xăng dầu tháng 6 tăng 14,24% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,59%.

Thứ hai là giá thịt heo cao vì những ngày đầu tháng 6 nguồn cung chưa đảm bảo. Tuy nhiên, từ ngày 12-6, Việt Nam chính thức nhập khẩu heo sống Thái Lan về để nuôi, giết mổ làm thực phẩm thì giá heo hơi trong nước giảm từ 2.000 - 10.000 đồng/kg. Dù giá heo hơi giảm nhưng giá bán lẻ tại các chợ truyền thống tiếp tục tăng 3,36% so với tháng trước khiến CPI chung tăng 0,14%.

Ước tính tổng lượng heo cả nước trong tháng sáu giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng heo hơi xuất chuồng sáu tháng ước đạt 1636,9 ngàn tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh các yếu tố làm CPI tháng 6 tăng cũng có một số nguyên nhân góp phần làm giảm CPI. Đầu tiên là do giá gạo giảm 0,45% do vụ lúa Đông Xuân năm 2020 cả nước cơ bản đã thu hoạch xong.

Giá các mặt hàng thủy hải sản tươi sống giảm 0,52% so với tháng trước do chi phí đầu vào giảm. Đồng thời tháng 6 vào vụ thu hoạch một số sản phẩm thủy sản nuôi trồng như tôm thẻ chân trắng, tôm hùm… Ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến nhiều nước đóng cửa khẩu, nhu cầu tiêu dùng từ khách du lịch giảm, dẫn đến nguồn cung dư.

Theo Cục quản lý giá, dù cả nước đã cơ bản khống chế dịch heo tai xanh, dịch lở mồm long móng nhưng dịch tả heo Châu Phi vẫn tiềm ẩn khả năng bùng phát trở lại. Việc tái đàn, duy trì sản lượng gặp khó khăn trong dân.

Gần đây, Chính phủ đã cho phép nhập heo sống với lô 500 con đầu tiên từ Thái Lan về tới Việt Nam vào nửa cuối tháng 6. Động thái này đã hỗ trợ một phần cho xu hướng giảm giá nhưng giá bán lẻ thịt heo tại các chợ vẫn còn cao.

Thời gian tới, với việc Chính phủ tiếp tục tăng cường tổ chức đồng bộ các biện pháp về tái đàn, giảm thuế nhập khẩu thịt heo đông lạnh và một số mặt hàng thịt heo tươi và ướp lạnh; tạo điều kiện tối đa cho các DN nhập khẩu thịt heo... người dân có thể kỳ vọng giá thịt trong nước giảm hơn so với thời điểm hiện tại.

Với các biện pháp điều hành quyết liệt hiện nay của Chính phủ, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm 2020 vẫn có thể lạc quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới