Chiều nay, 15-5, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, trả lời về giải pháp nào để giảm giá thịt heo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết bản chất giá thịt heo là do vấn đề cung - cầu. Nguồn cung đang thiếu là rất rõ.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, riêng năm 2019 so với năm 2018 đã thiếu 20%-21% sản lượng thịt cung cấp thị trường. Ba tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 thì sản lượng thịt heo lại tiếp tục giảm.
Có nhiều nguyên nhân khiến giá thịt heo luôn ở mức cao, thậm chí lên tới 95.000 đồng/kg heo hơi. Ảnh: AH
Cạnh đó, theo phản ánh của một số địa phương, như Bắc Giang thì heo thịt và heo giống đang thiếu đến 50%. Cùng với đó còn khoảng 17, 18 địa phương chưa công bố hết dịch tả heo châu Phi nên người chăn nuôi chưa yên tâm tái đàn.
"Người dân muốn quay lại tái đàn thì lại gặp vấn đề là không còn vốn để tái đàn và con giống rất đắt từ 2,5-3 triệu đồng/con giống. Do đó họ tính toán rằng không thấy hiệu quả khi tái đàn, nên đã thiếu lại càng thiếu" - ông Hải nói.
Về phương án giúp giảm giá thịt heo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng chỉ có hai cách. Đó là tái đàn, đây được coi là phương án tối ưu, vừa bù đắp lượng thịt thiếu hụt, vừa giải quyết việc làm cho người nông dân. Tuy nhiên, việc tái đàn cần thời gian. Theo tính toán, sớm nhất là đến cuối năm 2020, nếu không có gì đột biến thì lượng thịt heo mới tương đương trước khi có dịch.
Phương án thứ hai là nhập khẩu thịt heo để bù đắp lượng thịt heo thiếu hụt. Hiện Thủ tướng đã yêu cầu phải có kế hoạch của từng tháng về nhu cầu cần thịt heo bao nhiêu, số lượng thịt heo cung ứng trong nước được bao nhiêu và cần nhập khẩu bao nhiêu.
"Nếu nguồn cung trong nước tăng lên thì cần giảm nhập khẩu để bảo vệ người chăn nuôi và ngành chăn nuôi trong nước. Thủ tục nhập khẩu hiện cũng tương đối gọn nhẹ" - Thứ trưởng Hải cho biết.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết phía bộ vẫn phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các thương vụ tại các nước để giới thiệu đầu mối nhập khẩu thịt heo. Chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm soát đầu cơ trục lợi, vận chuyển heo lậu. Đồng thời phối hợp hệ thống siêu thị, các nhà phân phối thực hiện các chương trình bình ổn giá thịt heo.
"Vừa qua hệ thống siêu thị Big C làm rất tốt. Nhưng do yếu tố cung - cầu, họ không thể giữ mãi một giá trong khi giá ở ngoài cứ cao vọt lên. Họ có thể chấp nhận trong một thời điểm bán với giá không có lãi, thậm chí lỗ một chút. Ví dụ, trong tháng 4 Big C đã bù hơn 17 tỉ đồng để cho chương trình bình ổn giá. Họ phải lấy lợi nhuận của mặt hàng khác để bù nhưng không thể bù mãi được" - ông Hải cho biết.
Liên quan đến giá thịt heo, tại cuộc họp diễn ra mới đây do Bộ NN&PTNT tổ chức về chủ đề thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết từ tháng 1 đến tháng 3-2019, giá heo duy trì ở mức 45.000-47.000 đồng/kg heo hơi; tháng 4 đến tháng 7-2019, giá heo giảm xuống 35.000 đồng/kg, có lúc xuống dưới 30.000 đồng/kg.
Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi, nguồn cung giảm làm mất cân đối cung - cầu, làm cho giá heo tăng, tháng 8 đến tháng 12-2019 giá heo hơi tăng 42.000-90.000 đồng/kg. Từ tháng 1 đến tháng 3-2020, giá giảm từ 90.000 đồng xuống 73.000 đồng/kg heo hơi tại cửa chuồng.
Từ ngày 1-4-2020, các doanh nghiệp lớn giảm giá xuống 70.000 đồng/kg heo hơi. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4-2020, giá heo lại có xu hướng tăng đến 70.000-80.000 đồng/kg heo hơi. Những ngày gần đây, giá heo ổn định ở mức cao trên dưới 80.000 đồng/kg.
Thứ trưởng Tiến lý giải giá thịt heo vẫn tăng do nhiều nguyên nhân. Đó là do cung - cầu thịt heo mất cân đối, do dịch bệnh dẫn đến nguồn cung thịt heo giảm mạnh, khâu trung gian mất nhiều chi phí, giá con giống, thức ăn tăng cao...