Chi tiết thành phần các đối tượng mua dâm ở Việt Nam

Ngày 12-5, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị triển khai chương trình phòng, chống mại dâm năm 2016-2020.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, cho biết chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 lấy phòng ngừa làm trọng tâm, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với đời sống xã hội.

Đồng thời tăng cường xây dựng các thể chế nhằm bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế (người bán dâm, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm) vào hệ thống an sinh xã hội.

Bên cạnh đó từng bước xã hội hóa cơ chế, chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và các thiết chế xã hội vào công tác phòng ngừa mại dâm. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm, giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Lập đề nghị các đại biểu cần nhìn thẳng vào sự thật về sự tồn tại của nghề mại dâm để từ đó đưa ra các chính sách sát với thực tế. Ảnh: VIẾT LONG

Bà Trương Thị Thu Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho rằng việc hỗ trợ cho gái bán dâm cần phải thiết thực, cụ thể hơn. “Hiện nhiều chị em ngày tham gia học nghề nhưng đêm hoạt động mại dâm. Làm thế nào để thoát khỏi đường cũ trong khi học nghề thu nhập thấp hơn hoạt động mại dâm...” - bà Thủy nói.

Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, cho rằng không thể trông chờ vào việc đưa ra sự hỗ trợ và thay đổi cuộc đời người bán dâm 180 độ. Nếu người bán dâm đồng ý đi học nghề đã là một thành công rồi.

Bà Oanh cũng cho rằng cần phải chia sẻ khó khăn với người bán dâm. “Chúng ta hay nói người bán dâm sướng, chỉ việc nằm ngửa kiếm tiền nhưng chúng ta thử nằm ngửa 10 lần/ngày xem...” - bà Oanh nói.

 

3% người mua dâm là cán bộ, công nhân, viên chức

Theo báo cáo của 63 tỉnh, TP, hiện nay số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, trong đó tập trung nhiều ở một số khu vực như đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, con số thực tế cao hơn nhiều lần do đây là hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình.

Hiện nay, trên cả nước xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới như môi giới mại dâm thông qua Internet, Facebook, Zalo…

Đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau. Trong đó, đối tượng không nghề nghiệp ổn định, làm ăn tự do chiếm hơn 75%; doanh nghiệp 20%; cán bộ, công nhân, viên chức 3%, còn lại là đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi 18 đến 25…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm