Ngày 5-4, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo với nhận định như trên.
Chi tiêu quân sự năm 2015 đạt mức 1.676 tỉ USD, tăng 1% so với năm trước. Mỹ chi nhiều nhất với ngân sách 596 tỉ USD, chiếm 36% tổng mức chi tiêu quân sự toàn cầu, tuy nhiên con số này vẫn giảm 2,4% so với năm 2014. Nguyên nhân tăng chi tiêu do chiến tranh chống IS.
Trung Quốc chi tiêu quân sự nhiều thứ hai thế giới với 215 tỉ USD, tăng 7,4% so với năm trước. Tám nước kế tiếp lần lượt là Saudi Arabia (87,2 tỉ USD), Nga (66,4 tỉ USD), Anh (55,5 tỉ USD), Ấn Độ (51,3 tỉ USD), Pháp (50,9 tỉ USD), Nhật (40,8 tỉ USD), Đức (39,4 tỉ USD) và Hàn Quốc (36,4 tỉ USD).
Mức tăng chủ yếu được ghi nhận ở Đông Âu, châu Á và Trung Đông trong khi chi tiêu quân sự ở phương Tây lại giảm.
Tại Đông Âu, các nước vùng Baltic, Ba Lan và Romania tăng chi tiêu quân sự do tình hình Ukraine và động thái của Nga. Ở Tây Âu mức chi tiêu giảm chậm. Tại châu Á, chi tiêu quân sự tăng ở Philippines, Indonesia, Nhật và Việt Nam do căng thẳng với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Tại Trung Đông, nhiều nước như Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Syria đều tăng chi tiêu quân sự. Tại Mỹ Latin, chi tiêu quân sự giảm 4% do Brazil và Venezuela cắt giảm ngân sách.
Nếu tính giai đoạn 10 năm (2006-2015) thì chi tiêu quân sự của Mỹ giảm 4% trong khi của Trung Quốc tăng 132%, Saudi Arabia tăng 97% và Nga tăng 91%.