Ngày 24-11, liên quan đến quy định xử phạt xe không chính chủ sắp có hiệu lực trong thời gian tới, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cho biết như trên.
Theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô sẽ bị xử phạt từ ngày 1-1-2017.
Việc xử lý trên chỉ được thực hiện trong hai trường hợp. Thứ nhất là thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ TNGT gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên. Thứ hai là thông qua công tác đăng ký xe.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT TP Hà Nội. Ảnh: Lao Động
Để xác định xem người chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định, hay xe đi mượn, đi thuê, CSGT có nhiều biện pháp. Có thể ví dụ như lấy lời khai của người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện đến làm thủ tục đăng ký xe; thông qua dữ liệu quản lý nghiệp vụ cơ sở dữ liệu về đăng ký xe của lực lượng CSGT; kiểm tra các loại giấy tờ mua bán hoặc mời người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe đến làm việc, xác minh…
Người tham gia giao thông sẽ chỉ bị xử phạt lỗi xe không chính chủ trong hai trường hợp. Ảnh: TUYẾN PHAN
Trả lời về việc mượn hoặc thuê xe thì có bị xử phạt lỗi không sang tên hay không, ông Hùng cho biết CSGT sẽ không xử phạt.
Theo đó, chủ xe mô tô, xe máy được hiểu là chủ sở hữu của phương tiện. Tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2017) quy định về quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Đồng thời, Nghị định 46/2016 chỉ quy định về xử phạt đối với chủ phương tiện, tức chủ sở hữu.
Như vậy, đối với người điều khiển phương tiện không đủ ba quyền trên, tức là không phải chủ sở hữu phương tiện và không thuộc phạm vi điều chỉnh, không phải là đối tượng xử lý của các điều khoản trên.
Điều đó có nghĩa người điều khiển phương tiện đi thuê, đi mượn để tham gia giao thông sẽ không bị xem xét, xử lý về hành vi vi phạm.
Người dân nên sang tên trước 1-1-2017 Theo phó trưởng Phòng PC67 Hà Nội, với quy định “mở”, tạo điều kiện cho nhân dân như hiện tại, người dân nên tuân thủ, thực hiện việc đăng ký sang tên xe theo quy định. Đó cũng là quyền về đảm bảo, xác nhận tài sản hợp pháp của mình trước pháp luật, tránh được những tranh chấp không đáng có, cũng như giúp đỡ lực lượng CAND trong công tác quản lý, điều tra, giải quyết các vụ việc liên quan đến phương tiện mô tô, xe máy. Đối với các vụ TNGT mà nạn nhân bị chết, bất tỉnh, nếu phương tiện là chính chủ cơ quan chức năng có thể nhanh chóng tìm ra tung tích nạn nhân, kể cả trong trường hợp chủ phương tiện cho mượn hay cho thuê xe. Đối với các vụ án như trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo…, thông qua biển số, đặc điểm phương tiện, lực lượng công an sẽ có căn cứ để xác minh, điều tra, xác định đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội. Hoặc thông qua quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CAND nói chung và CSGT nói riêng đã phát hiện nhiều phương tiện là vật chứng của các vụ án. Tuy nhiên, do chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên phương tiện nên quá trình điều tra bị hạn chế thông tin, tài liệu, gặp nhiều khó khăn để xác định chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện,… |